Tôn vinh, bảo tồn, lưu giữ và phát triển Nghệ thuật làm gốm của người Chăm

Cập nhật: 27/06/2023
(TITC) - Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Sự kiện này không chỉ tôn vinh giá trị nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng, của nỗ lực chung tay góp sức bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Nghệ nhân làng gốm Chăm Bàu Trúc (Nguồn: Internet)

Đây là nghề thủ công truyền thống đầu tiên và là di sản văn hóa thứ 15 của Việt Nam được UNESCO tôn vinh.

Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Từ đôi bàn tay sáng tạo của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ đơn giản, không bàn xoay, không tráng men, kỹ thuật nung lộ thiên độc đáo đã tạo nên những sản phẩm gốm không lẫn với bất cứ nơi nào, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản. Sự thực hành và trao truyền kỹ năng, bí quyết, nghệ thuật tạo hình gắn với nâng cao vai trò của phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại; là nơi lưu giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội.

Ngày nay, gốm Chăm còn hiện diện chủ yếu ở làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) và làng gốm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), là những làng nghề truyền thống lâu đời, tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, những năm qua, chính quyền địa phương có di sản đã có nhiều nỗ lực bảo vệ, nhưng di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi sự đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian phát triển của các làng nghề thủ công truyền thống, từ nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao, nghệ nhân lành nghề ngày càng ít, thế hệ trẻ ít hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng và khó tiêu thụ…

Những dự án phát triển du lịch cộng đồng ở các làng gốm Chăm đã giúp người dân có thêm thu nhập từ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Người dân được đào tạo các kỹ năng phục vụ du khách như đón khách, làm món ăn truyền thống, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Qua đó cũng khuyến khích thế hệ trẻ ở các làng gốm yêu nghề và tiếp nối truyền thống của cha ông.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của người Chăm, ngày 15/6/2023, trong dịp Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tại Ninh Thuận, Bộ VHTTDL đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Kỳ vọng từ kết quả chương trình mang lại, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm sẽ phát triển ổn định và bền vững, các nghệ nhân làm gốm được tôn vinh, đời sống của người dân được nâng cao.

Trung tâm Thông tin du lịch