20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản

Cập nhật: 06/07/2023
Theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới (gọi tắt là Công ước) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua vào tháng 11/1972, việc bảo vệ di sản có ý nghĩa rất quan trọng vì “Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới ngày càng có nguy cơ bị phá hoại không những bởi những nguyên nhân cổ truyền là xuống cấp mà còn bởi sự tiến triển của đời sống xã hội và kinh tế làm cho các nguyên nhân cổ truyền trầm trọng thêm do các hiện tượng làm hư hỏng hoặc phá hoại ghê gớm hơn nữa”. 20 năm qua, việc bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) theo quy định của Công ước có những thành tựu đáng kể.

Ảnh internet

 Bảo vệ những giá trị toàn cầu của di sản

Tháng 7/2003, VQG PN-KB được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo. Tiếp đến tháng 7/2015, VQG PN-KB được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai với tiêu chí các giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Theo điều 4, mục II của Công ước mỗi quốc gia tham gia công ước phải có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và truyền lại cho các thế hệ tương lai di sản của mình. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển, việc bảo vệ di sản VQG PN-KB đứng trước nhiều áp lực lớn. Đại bộ phận dân cư sở tại chủ yếu sống dựa vào rừng, nạn chặt phá cây rừng và săn bắt động vật quý hiếm diễn ra thường xuyên. Những hoạt động phá hoại của con người làm trầm trọng thêm sự tàn phá môi trường của tự nhiên. Trước tình hình này, chúng ta đã có nhiều biện pháp tích cực tuyên truyền về các nguy cơ đe dọa di sản; đồng thời tìm mọi biện pháp phát triển sản xuất, dịch vụ cải thiện đời sống cho người dân giảm áp lực tàn phá môi trường sinh thái.

Cùng với đó, công tác quản lý được tăng cường và có những bước tiến tích cực. Đặc biệt, công tác bảo vệ và quản lý tài nguyên rừng được đẩy mạnh giúp cho việc bảo tồn có hiệu quả. Ngoài ra, Ban Quản lý VQG PN-KB còn đẩy mạnh việc hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phát hiện thêm nhiều hang động mới, các loại thực vật động vật đặc hữu, quý hiếm làm phong phú thêm giá trị lịch sử địa chất, địa mạo và đa dạng sinh thái của di sản.

Bảo vệ tính toàn vẹn của di sản

Đối với di sản thiên nhiên thế giới, Công ước nhấn mạnh đến tính toàn vẹn coi đó là yêu cầu quan trọng trong công tác bảo tồn di sản. 20 năm qua, VQG PN-KB không chỉ bảo tồn trong diện tích đã công nhận mà còn phát triển, mở rộng quy mô quản lý nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của di sản. Từ một Khu bảo tồn PN-KB được chính thức thành lập tháng 8/1986 chỉ có diện tích 5.000ha, năm 1991 được mở rộng 41.132ha. Trong quá trình làm hồ sơ di sản theo khuyến nghị của UNESCO năm 2001, Chính phủ quyết định mở rộng 85.754ha và thành lập VQG PN-KB thay cho Khu bảo tồn PN-KB trước đó.

Riêng việc khuyến nghị trao đổi với chính phủ Lào mở rộng địa giới di sản sang Khu bảo tồn Hin Nậm Nô của tỉnh Khăm Muồn (Lào) để bảo đảm tính toàn vẹn của di sản bao gồm toàn bộ vùng núi đá vôi dọc Trường Sơn chưa thực hiện được vì liên quan đến biên giới và chủ quyền của hai nước. Tuy nhiên, chúng ta đã tham gia dự án liên kết Hin Nậm Nô và PN-KB thông qua bảo tồn song hành (gọi tắt là dự án LINC) vào tháng 7/2000.

Sau khi được công nhận di sản lần thứ nhất (2003), năm 2013, Chính phủ lại quyết định mở rộng VQG PN-KB lên tới 123.326ha và được UNESCO công nhận di sản lần thứ hai (2015). Việc mở rộng diện tích VQG PN-KB bao gồm phần lớn cao nguyên núi đá vôi và rừng nhiệt đới đa dạng với nhiều hang động sông ngầm và hệ sinh thái phong phú, nhiều loài sinh vật đa dạng chứng tỏ chúng ta đã bảo tồn tính toàn vẹn của di sản theo Công ước một cách tích cực và nghiêm túc.

Phát huy những giá trị của di sản

Việc công nhận di sản thế giới là hình thức ghi nhận những di sản có giá trị toàn cầu để kêu gọi các quốc gia và cộng đồng bảo tồn cho nhân loại chứ không phải tạo ra thương hiệu để thu lợi. Tuy nhiên, do những giá trị của nó, các di sản thường là điểm đến của du khách và trở thành các trung tâm phát triển du lịch của địa phương.

20 năm qua, VQG PN-KB đã đón tiếp hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và thế giới. Thông qua du lịch, việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ di sản được mở rộng không chỉ trong một quốc gia vùng lãnh thổ mà ra phạm vi toàn thế giới. Du lịch phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, cải thiện đời sống cư dân bản địa tạo điều kiện cho việc bảo vệ di sản tốt hơn.

Tuy vậy, áp lực của du lịch lên di sản cũng không nhỏ nếu không có một chiến lược phát triển du lịch bền vững lâu dài. Như Công ước đã chỉ rõ nguy cơ phá hoại di sản do điều kiện tự nhiên và xã hội luôn hiện hữu. Theo điều 11, mục 4 của Công ước khi một di sản có nguy cơ bị xâm hại UNESCO sẽ đưa vào danh sách “di sản thế giới có nguy cơ”, thậm chí đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới, như: Khu bảo tồn hoang dã Oman, thung lũng Elbe ở Dresden (Đức), Trung tâm thành phố cảng Liverpool (Anh)...

Nhìn lại 20 năm VQG PN-KB trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, chúng ta đã có những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện Công ước bảo vệ di sản, tuy nhiên, đó chỉ mới là thành quả bước đầu. Việc bảo vệ di sản đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài với sự quản lý có hiệu quả của nhà nước và tham gia tích cực của cộng đồng xã hội mới mong giữ được di sản quý báu cho đất nước và các thế hệ tương lai của nhân loại.

Phan Viết Dũng

Nguồn: Báo Quảng Bình - baoquangbinh.vn - Ngày 30/06/2023