Tỉnh Thanh Hóa đã quyết định trong 4 năm từ 2009-2012 dành gần 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ các hộ dân ở 29 thôn, bản thuộc 8 xã nằm trong vùng đệm các Vườn Quốc gia Bến En và Cúc Phương phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giảm áp lực đối với rừng đặc dụng, góp phần xây dựng, bảo vệ các Vườn Quốc gia phát triển bền vững.
Theo đó, từ tháng 9/2009, 29 thôn, bản nằm trong vùng đệm các Vườn Quốc gia Bến En và Cúc Phương được đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình thủy lợi và thực hiện các dự án cải tạo, phục hoá đất sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nghèo mua bò giống; hỗ trợ khuyến nông xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ chính sách khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng...
Ông Trần Tất Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, để bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, yếu tố quyết định là phát triển sản xuất, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân vùng đệm.
Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, đến năm 2012 các hộ trong vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En và Cúc Phương đều có đủ đất sản xuất lương thực đạt mức bình quân 350 kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, đồng thời phát huy các thế mạnh trồng cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi trâu, bò, ong lấy mật, trồng rừng... đảm bảo việc làm ổn định cho trên 85% số lao động trong khu vực.
Đặc biệt với việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 6 công trình thuỷ lợi đập nước, trạm bơm, hàng chục km kênh mương kiên cố giúp các hộ dân trong vùng cải tạo, phục hoá tăng diện tích trồng lúa nước 2 vụ lên 128,54ha cùng các mô hình trồng mây nếp, nuôi trâu, bò, nuôi ong lấy mật, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng...
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng đặc dụng khá lớn gồm 3 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (huyện Quan Hóa), Pù Luông (huyện Bá Thước), Xuân Liên (huyện Thường Xuân) và 2 Vườn Quốc gia (Vườn Quốc gia) Bến En (huyện Như Thanh), Cúc Phương (huyện Thạch Thành) với tổng diện tích trên 81.400ha.
Tại các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn Quốc gia có 180 thôn, bản nằm trong vùng đệm cần bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên trong số này mới chỉ có 151 thôn, bản được hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, còn lại 29 thôn, bản nằm trong vùng đệm các Vườn Quốc gia Bến En và Cúc Phương không được hưởng chính sách, đời sống đồng bào trong vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 51,5% đang là tác nhân ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En và Cúc Phương.
Việc triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng đệm của 2 Vườn Quốc gia này là quyết định kịp thời nhằm bảo vệ an toàn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng trên địa bàn Thanh Hóa.