Bán đảo Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, mà còn là bức bình phong chắn gió bão cho thành phố Đà Nẵng. Sơn Trà không chỉ nổi tiếng có cây đa di sản thuộc loại hùng vĩ bậc nhất Việt Nam mà còn được mệnh danh là “vương quốc” của loài voọc chà vá chân nâu – loài linh trưởng quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao.
Bán đảo Sơn Trà không chỉ giúp Đà Nẵng trở thành một khu an toàn về hàng hải mà còn là đài khí tượng thủy văn chi cư dân trong vùng, thể hiện qua các câu ca dao: “Đời ông cho chí đời cha, mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa”. Cư dân nơi đây đã dựa vào đặc điểm mây trên Sơn Trà mà xét đoán thời tiết để ra khơi vào lộng, tránh được những rủi ro đáng tiếc. Với địa thế này, năm 1965 quân đội Mỹ đã đặt trạm thông tin và radar trên núi Sơn Trà, do gặp rất nhiều đàn linh trưởng nên núi này được đặt tên là núi Khỉ.
Cây Đa di sản trên bán đảo Sơn Trà.
Sườn phía Đông Nam bán đảo Sơn Trà có cây Đa di sản gần nghìn năm tuổi với chính rễ phụ khổng lồ, chia đều tăm tắp chống sâu vào vách đá cheo leo. Nếu may mắn, du khách sẽ được ngắm nhìn những chú voọc chà vá chân nâu nhảy nhót trên các cành lá. Đây là loài linh trưởng quý hiếm, phân bố rất hẹp ở Việt Nam và một số cá thể ở Lào. Chúng còn được người dân địa phương gọi là “voọc ngũ sắc” bởi bộ lông có năm màu sặc sỡ, độc đáo, phân bố từ đầu gối đến mắt cá chân trông giống như đeo đôi tất dài màu nâu đỏ, cẳng tay trước như được phủ một lớp găng tay trắng. Bàn tay và đôi chân có màu đen. Voọc chà vá chân nâu có vành râu quai nón màu trắng và thường râu của những con đực sẽ rậm rạp hơn. Mí mắt của chúng màu xanh dương nhạt, đuôi trắng và có cụm lông trắng ở phía cuối. Con đức ở mọi lứa tuổi đều có mảng trắng ở hai bên mông....
Bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là “vương quốc” của loài voọc chà vá chân nâu.
Chính vì vẻ đẹp khác thường, nên loài động vật này đã bị con người săn bắt quá mức, hiện nay voọc chà vá chân nâu được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài trưởng, xếp vào danh sách các loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng- một nguồn gen quý hiếm cần được bảo vệ khẩn cấp. Cây Đa Di sản càng nổi tiếng hơn khi một nhà khoa học địa phương kể rằng đã tận mắt chứng kiến voọc chà vá chân nâu sinh trưởng dưới tán cây này. Người ta nhận ra rằng, bán đảo Sơn Trà là vương quốc của loài linh trưởng đặc hữu, vô cùng quý hiếm này.
Cây đa Sơn Trà còn có tên là Đa núi cao, thuộc họ Dâu tằm với hơn 800 tuổi, cao 22 m, chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến 85 m. Cành và thân chính, thân phụ liên kết, nối chặt tạo một thế đứng vững chãi cho cây qua hàng thế kỷ. Cây đa nằm trên tuyến đường du lịch Bãi Bắc - Ghềnh đá - Mũi Nghê. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bán đảo Sơn Trà trở thành căn cứ địa của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Vị trí cây đa Sơn Trà được lực lượng, dân quân tự vệ, biệt động chọn làm nơi ẩn náu, tụ họp để trao đổi thông tin.
Trường tồn với thời gian qua hàng trăm năm, cây đa chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, đứng sừng sững giữa trời, bất chấp bão táp, nắng hạn.
Theo hồ sơ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2014, cây đa nằm ở tiểu khu 63 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Giống như một thực thể sống động và đặc trưng của bán đảo Sơn Trà, cây đa cổ thụ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của hầu hết du khách đến khám phá nơi này. Trường tồn với thời gian qua hàng trăm năm, cây đa chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, đứng sừng sững giữa trời, bất chấp bão táp, nắng hạn.
Cùng với cây Di sản trên bán đảo Sơn Trà, nằm phía Đông Nam cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km, cây di sản tại khu di tích Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị. Trong số 7 cây cổ thụ đầu tiên ở danh thắng Ngũ Hành Sơn được vinh danh Cây Di sản Việt Nam có hai cây bàng trước cửa chùa Linh Ứng được người dân gọi là linh mộc “kết tóc xe duyên”. Theo các nhà sử học, ngôi chùa này được hình thành vào đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Cả hai cây bàng có tuổi hơn 200 năm trồng trước cửa chùa Linh Ứng phát triển khá xanh tốt, nhưng điều kỳ lạ là thân cây bàng trồng phía bên phải (nhìn từ cửa chùa ra) tự nhiên mọc ra một cục u bướu to và khá dài (người dân thường gọi là cây bàng đực). Cây phía đối diện có một khe lõm trên thân (người dân gọi là cây bàng cái).
Hai cây bàng trước cửa chùa Linh Ứng được người dân gọi là linh mộc “kết tóc xe duyên”.
Vào tháng 01/2017, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ban hành Quyết định công nhận 07 cây (gồm 4 loài): 01 cây Thị (205 tuổi); 01 cây Đa Sộp (610 tuổi); cụm 3 cây Bồ Kết (trên dưới 200 tuổi); cụm 2 Cây Bàng (350 tuổi) trên ngọn Thủy Sơn, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn là Cây Di sản Việt Nam. Trong số những linh mộc cổ thụ trên, ba cây bồ kết đứng thẳng hàng bên lối đi trong khe động Tàng Chơn. Bằng phương pháp khoan tăng trưởng, các chuyên gia Lâm học xác định tuổi của những cây này gần 200 năm. Từ lâu các nhà tu hành tại các chùa, am và trong hang động trên núi Thủy Sơn thường sử dụng quả bồ kết khô để pha nước gội đầu và chữa trị một số bệnh thông thường như cảm cúm... sau này nhiều người tin rằng, những cây bồ kết này rất linh ứng cho sự gắn kết gia đình, vợ chồng sau khi tới đây cầu nguyện.
M.T