Hàng chục tấm pano tư liệu song ngữ Pháp-Việt, đã thực hiện hành trình từ Hà Nội đến Huế và dừng chân tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để kể cho công chúng về đời sống của nhựa, từ nơi sản xuất đến tiêu thụ và đến khi được phát tán trong môi trường.
Không gian triển lãm "Nhựa: ô nhiễm và giải pháp" tại Phố Bên Đồi, thành phố Đà Lạt.
Viện Pháp tại Việt Nam và Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi (thành phố Đà Lạt), cùng Viện Nghiên cứu phát triển Pháp phối hợp giới thiệu triển lãm “Nhựa: ô nhiễm và giải pháp”.
Triển lãm gồm 21 tấm pano tư liệu song ngữ Pháp-Việt, đã thực hiện hành trình từ Hà Nội đến Huế và dừng chân tại thành phố Đà Lạt để kể cho công chúng về đời sống của nhựa, từ nơi sản xuất đến tiêu thụ trong đời sống cho đến khi được phát tán ra môi trường đất và nước.
Theo các đơn vị tổ chức, dù đề cập đến thực trạng ở Việt Nam, nhưng đây là một câu chuyện chung, không giới hạn ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ nhất định. Triển lãm “Nhựa: ô nhiễm và giải pháp” giúp người xem hiểu, cảm nhận những thách thức mang tính địa phương và toàn cầu liên quan đến nhựa, một chất liệu phổ biến nhưng hậu quả đối với môi trường mà nó đem đến ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Qua các tư liệu hình ảnh và biểu đồ, kèm lời bình do Viện Nghiên cứu phát triển Pháp thực hiện, triển lãm gửi đến người xem thông điệp “tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm và có khả năng đưa ra các giải pháp liên quan đến nhựa”.
Các poster trưng bày tại Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi, thành phố Đà Lạt.
Tại Việt Nam, đối mặt với thực trạng rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) nhằm điều chỉnh “sự sống hoang dã của nhựa”, giảm thiểu rác thải và tối ưu hóa chuỗi thu gom, xử lý rác.
Triển lãm mở cửa tham quan tự do tại Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi, số 10 Lý Tự Trọng, thành phố Đà Lạt đến ngày 17/9.
Mai Văn Bảo