Những năm gần đây, một số hộ dân ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, đã đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái, thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi năm đến tham quan, trải nghiệm, góp phần nâng cao thu nhập và bảo tồn, quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Điểm du lịch cộng đồng tại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, Thành phố.
Đến với khu du lịch cộng đồng ở Chiềng Cọ, du khách có cơ hội thưởng thức ẩm thực dân tộc, giao lưu văn hóa văn nghệ, khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng. Đồng thời, được tìm hiểu về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Thái và trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề truyền thống, tham gia các hoạt động sản xuất cùng với bà con.
Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Những năm gần đây, các thanh niên ở xã đã xây dựng và đăng tải các hình ảnh, video về cảnh quan, ẩm thực trên mạng xã hội, nền tảng tiktok để quảng bá hình ảnh, con người xã Chiềng Cọ và nhận được sự phản hồi tích cực. Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Bản Hùn được xã Chiềng Cọ chọn làm bản du lịch cộng đồng đầu tiên. Xã đã tổ chức tuyên truyền nhân dân cải tạo nếp nhà sàn cũ, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, khôi phục một số ngành nghề truyền thống như đan lát, rèn, dệt thổ cẩm để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, xã khuyến khích, vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn; tham quan các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương.
Đến trải nghiệm điểm câu cá Nà Phừm, bản Hùn, vào những ngày hè, du khách tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên và thỏa mãn thú vui câu cá. Đồng thời, được thưởng thức các món ăn dân dã, mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Thái. Anh Tòng Đức Nhân, chủ điểm câu cá Nà Phừm, cho biết: Năm 2016, gia đình tôi đầu tư kinh doanh dịch vụ câu cá, cải tạo 3 ha ao sẵn có của gia đình thành 1 ao lớn và 2 ao nhỏ, với hệ thống cầu, lán, nhà ăn, cùng dịch vụ ăn uống, chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Đồng thời, tổ chức thêm hoạt động đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ vào buổi tối; phối hợp với một số hộ kinh doanh homestay trong xã sắp xếp nơi nghỉ, nhằm phục vụ tốt nhất cho khách du lịch. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng thêm hoa sen, hoa ngũ sắc, hệ thống xích đu, tạo cảnh quan thu hút du khách đến tham quan, “check in”. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đón 4.000 du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Trừ chi phí, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng.
Anh Tòng Văn Trường, chủ Homestay Mạnh Trường, chia sẻ: Với khoảng 2.000m2 đất, nếp nhà sàn cổ, ao, vườn có sẵn, gia đình tôi được Thành phố hỗ trợ 45 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị phục vụ du lịch. Ngoài ra, tự đầu tư gần 200 triệu đồng sửa sang nhà ở, cải tạo ao để phục vụ nhu cầu của du khách. Thường vào dịp cuối tuần, chúng tôi đón từ 40-50 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con nơi đây. Quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Thái đến với du khách, chúng tôi sử dụng họa tiết thổ cẩm, đồ dùng đan lát, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như chơi trò chơi dân gian, múa xòe...
Anh Lê Văn Cường, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đến tham quan, trải nghiệm tại xã, tôi cảm nhận được không khí trong lành, không gian yên bình của một vùng quê, mang lại cảm giác thoải mái. Bà con thân thiện, thật thà. Năm sau tôi sẽ trở lại nơi đây cùng gia đình và bạn bè, tiếp tục khám phá cảnh đẹp ở đây.
Biến sự mộc mạc, hoang sơ thành điểm mạnh để phát triển du lịch; nét đẹp văn hóa truyền thống từng bước được khôi phục và phát triển, xã nông thôn mới Chiềng Cọ đang hứa hẹn thành điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương.
Bài, ảnh: Thu Thảo