Sau 2 năm “giẫm chân tại chỗ” do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng. Trong đó, du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event-du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm...) được đánh giá tăng trưởng “nóng” nhất hiện nay.
Lý do là bởi, sau thời gian các hoạt động hội nghị, hội thảo, triển lãm… bị gián đoạn do ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, đây là lúc nhiều tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp quay lại với các hoạt động vốn phải tạm hoãn trước đó. Và, du lịch MICE chính là lựa chọn “2 trong 1” lý tưởng, đưa loại hình này vào giai đoạn “bùng nổ”. Với đặc thù hướng đến phục vụ lượng khách lớn, có thể lên đến hàng trăm người với nhu cầu lưu trú dài ngày, sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau, doanh thu du lịch MICE đóng góp là không hề nhỏ.
Một nhóm khách MICE hào hứng chụp ảnh cùng chú voi ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: L.N
Đơn cử, ngày 08/8 vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật trong tình hình mới”. Hội nghị kéo dài 4 ngày, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, thu hút gần 400 học viên đến từ các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy; các hội văn học nghệ thuật trung ương và địa phương; cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình; phóng viên, biên tập viên, giảng viên… ở các tỉnh, thành các đơn vị khu vực phía Nam.
Ngoài chương trình tập huấn với nhiều chuyên đề bổ ích, học viên còn rất hào hứng khi được đi thực tế tại Khu du lịch Buôn Đôn và Khu du lịch Hồ Lắk. Ông Lâm Hồ Sĩ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu - chia sẻ: “Bản thân tôi rất thích tham gia hội nghị kết hợp du lịch, vừa được tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nước nhà, vừa được hiểu thêm về tình đất, tình người cao nguyên. Đoàn chúng tôi còn mua rất nhiều sản phẩm du lịch như hồ tiêu, cà phê hay đồ thủ công mỹ nghệ như gùi, nhạc cụ đặc trưng văn hóa bản địa làm quà tặng bạn bè, người thân”.
Tuy Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng tổ chức một hội nghị tương tự ở phía Bắc, song một số tỉnh ở khu vực này vẫn đăng ký tham gia hội nghị tại Đắk Lắk. Trò chuyện về loại hình du lịch MICE, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên - nhận xét: “Hội nghị, hội thảo kết hợp với du lịch là hoạt động rất hấp dẫn. Hội nghị lần này tổ chức ở Đắk Lắk rất thú vị. Chúng tôi mong muốn đến đây để vừa được tập huấn nâng cao năng lực, vừa về với cội nguồn của đại ngàn, trải nghiệm văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Mọi người trong đoàn rất thích các sản phẩm thủ công ở đây như gùi, những chiếc vòng tay bằng gỗ hay những chú voi may bằng thổ cẩm”.
Ngay khi hội nghị kết thúc, TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục đón lượng khách khá lớn là các văn nghệ sĩ đổ về tham dự lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 28, diễn ra vào ngày 12/8. Có thể thấy, khoản doanh thu từ lưu trú, dịch vụ và sản phẩm du lịch của ngành du lịch Đắk Lắk qua các hội nghị, triển lãm này là không hề nhỏ.
Nói về Gia Lai, tuy tài nguyên du lịch phong phú không kém song lại hạn chế cơ hội phát triển du lịch MICE. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho hay: Doanh thu từ du lịch MICE chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của ngành du lịch tỉnh nhà. Lý do nằm ở chỗ cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Loại hình này đòi hỏi phải có những phòng hội thảo, hội nghị đủ tiêu chuẩn và thông thường chỉ những khách sạn 4-5 sao mới đáp ứng được.
Trên thực tế, Gia Lai hiện chỉ có 1 cơ sở lưu trú được gắn 4 sao, đó là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai nhưng cũng đã cũ. Vì vậy, rất khó để so sánh với Đắk Lắk - trung tâm vùng Tây Nguyên - trong phát triển du lịch MICE, nơi có nhiều khách sạn 4 sao, khách sạn 5 sao, đủ điều kiện để được lựa chọn tổ chức các sự kiện lớn. Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL, muốn phát triển du lịch MICE, trước tiên, Gia Lai phải phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất một cách đồng bộ.
Không phải là không có lý khi một số doanh nghiệp nhận định rằng du lịch MICE là “miếng bánh thơm”, khi nó chiếm trên 60% tổng lượng khách. Thêm vào đó, các đoàn khách này thường sẵn sàng chi tiêu mạnh tay hơn so với các đoàn du lịch thông thường. Do đó, chưa quan tâm đầy đủ du lịch MICE là điều rất đáng tiếc. Cần lắm một quy hoạch bài bản, có tầm để du lịch MICE song hành cùng các loại hình khác như: du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử, nghỉ dưỡng… qua đó mang lại nguồn thu lớn cho ngành “công nghiệp không khói” Gia Lai.
Lam Nguyên