Kiếm sống nhờ... chim hoang dã!

Cập nhật: 17/09/2009
Hương Thủy là huyện giáp ranh thành phố Huế. Xét về góc độ kinh tế, đây không phải là huyện nghèo nhưng cũng không quá khá giả dù có sân bay Phú Bài đóng chân. Hàng ngày người dân ở đây vẫn phải lam lũ kiếm sống bằng nhiều nghề không mang lại nguồn thu nhập lớn.  

Với tổng số 11 xã và 1 thị trấn, không ít người dân các xã giáp biển của Hương Thủy phải sống dựa vào tài nguyên biển như đánh bắt hải sản, khai thác cát, săn bắt động vật sống trên các vùng đầm phá...

Đáng báo động nhất chính là việc bẫy, săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã trên các khu vực đầm phá.

Ngay trên tuyến đường nối từ Huế đến Đà Nẵng, khu vực xã Thụy Phù (qua bến xe phía nam của Thừa Thiên Huế), bất cứ ai đi qua cũng có thể bắt gặp những túp lều dựng tạm ven theo quốc lộ có bán những loài chim đặc trưng của hệ thống đầm phá. Đó là các loài Gà nước, mỏ giác, cò, vạc... Tùy theo mùa, những người buôn bán động vật hoang dã sẽ cung cấp cho khách hàng những loại chim thường ghé qua hoặc sinh sống ở đây.

Tiếp xúc với hai dì chuyên bán chim hoang dã đánh bắt được ở đây, chúng tôi được biết mùa này đang là mùa của gà nước và mỏ giác. Hàng ngày, thanh niên trong gia đinh sẽ dậy từ sớm rồi lội vào các bãi, đầm phá để đặt bẫy, săn bắt các loài chim trời này. Đến khoảng gần trưa, những con chim bị bắt sẽ được họ đem bán dọc theo quốc lộ để thu hút những vị khách qua đường.

Khách chủ yếu của họ là những người dân ở thành phố Huế hoặc viên chức trên đường đi làm về tiện ghé mua phục vụ các ông chồng ăn nhậu. Không ít khách ở Đà Nẵng khi đi ngang qua đây cũng mua về và coi như một món quà cho người thân. Có thể nói, việc mua bán ở đây diễn ra công khai giống như buôn bán gia cầm chứ không phải động vật hoang dã.

Một người bán cho biết, thông thường khi đánh bắt về, người ta bán trực tiếp cho những người bán buôn ở trong thành phố Huế. Những con chim này sẽ được bán công khai ở chợ với giá cao hơn nhiều giá bán trên các đoạn quốc lộ. Việc mua bán diễn ra rất thuận lợi mà chẳng bao giờ bị cơ quan nào kiểm tra bắt giữ. Chính vì vậy món ăn chim hoang dã nghiễm nhiên trở thành món ăn thông thường ở Huế.

Một hình ảnh phản cảm từng diễn ra ở Hà Nội nay diễn ra tại khu vực này. Đó là những con chim bị vặt trụi lông nằm lăn lóc, rớm máu trên những chiếc mâm để cho khách lựa chọn. Để đảm bảo thuận tiện nhất cho khách hàng, người bán thậm chí còn thui qua những con chim đã bị vặt lông hoặc làm thịt sẵn, người mua về chỉ việc xử lý sơ qua và chế biến. Khách hàng thậm chí còn có thể gọi điện thoại hoặc đi qua từ sáng sớm rồi đặt trước để trưa hoặc chiều ghé lấy.

Một cụ bà bán loại hàng này nhẩm tính trung bình mỗi ngày bán được khoảng hơn 100 con các loại. Nếu cộng tổng số người ngồi bán ở đây thì một ngày ít nhất cũng có khoảng 200-300 con chim bị vặt lông và trở thành món ăn của con người. Có lẽ chỉ cần nhìn những đống lông chim dày đặc phía sau những túp lều ở đây, người ta cũng có thể hiểu lượng chim bị thịt lớn tầm nào. "Ngày nào gặp đàn lớn hoặc trúng bẫy, lưới thì mỗi người có thể bán được 300-400 con. Nhưng thời gian gần đây cũng ít đi nhiều rồi vì ngày nào cũng đánh bắt nên hết cả chim", một người bán hàng nói.

Một vị khách hàng thường xuyên mua loại chim này cho biết, giá bán gà nước ở các chợ trong thành phố Huế là 20.000 đồng 1 con (giá tại quốc lộ là 10.000 đồng). Đối với loại mỏ giác thì giá khoảng 10.000 đồng 1 con (tại quốc lộ giá khoảng 100.000 đồng khoảng 15 con). Chính với mức giá rất rẻ này cộng thêm việc không có sự giám sát, xử phạt của các cơ quan chức năng mà việc chim hoang dã ở Huế bị bắt và làm thịt trở thành điều không khiến ai lạ cả.

Rõ ràng việc mua bán, săn bắt chim hoang dã ở Huế được tất cả mọi người biết đến, chẳng có lý gì các cơ quan chức năng không rõ việc này. Hơn nữa, không ít cán bộ, công chức ở Huế vẫn hàng ngày tiêu thụ chim trời nên không thể lấp liếm rằng đây là việc mua bán nhỏ lẻ, không gây ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài chim hoang dã được.
Huế là một thành phố du lịch, là nơi khách phương Tây thường xuyên đến và lưu trú lâu dài. Liệu những hình ảnh, ý thức, việc bảo vệ môi trường, các loài động vật hoang dã rất kém như vậy có làm mất đi một hình ảnh của một thành phố du lịch đầy hấp dẫn không? Xin nhắc các vị lãnh đạo của Thừa Thiên Huế là những vị khách phương Tây rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường và cực kỳ ghê sợ trước những hình ảnh sát hại các loài động vật hoang dã.
 

Nguồn: TTVH/Thegioidongvat.org