Bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô bán đảo Sơn Trà

Cập nhật: 22/09/2009
UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt đề án bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô và các hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Bảo vệ rạn san hô khu vực bán đảo Sơn Trà” với mục tiêu tổ chức bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái biển, duy trì tính tự nhiên của thủy sản ở khu vực này.

Gắn quyền lợi của cộng đồng dân cư với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng với cộng đồng trong việc quản lý nguồn lợi thủy sản, hướng đến hình thành khu vực câu cá phục vụ khách du lịch.

Đề án được triển khai thành 2 giai đoạn từ nay đến năm 2015. Trong giai đoạn 1 (2009-2012) sẽ tiến hành thả phao bảo vệ quanh các khu vực như Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hục Lỡ, Vũng Đá và Đông Bãi Bắc. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập các tổ, đội để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, nghiên cứu tổ chức các loại hình du lịch biển; tổ chức khai thác và sử dụng nguồn lợi dựa vào cộng đồng. Đồng thời xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư bảo tồn phát triển hệ sinh thái biển khu vực Sơn Trà.

Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha TrangCông ty Coral Reef Center, tiềm năng về rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà không thua kém vịnh Hạ Long và Nha Trang. Riêng vùng biển Mũi Nghê đã có 42 loài san hô với màu sắc còn sặc sỡ hơn cả khu vực Hòn Mun (Nha Trang).

Tuy nhiên theo Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, ít nhất 5ha san hô quanh bán đảo này, nhất là khu vực Bãi Bụt, Bãi Nam bị trầm tích gây chết. Việc nuôi trồng thủy hải sản tự phát ở vùng biển gần bờ cũng tác động xấu đến các rạn san hô và hệ sinh thái liên quan khu vực gần bờ.  

Trước thực trạng đó, năm 2007, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định khoanh vùng bảo vệ 4.000ha vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và quanh bán đảo Sơn Trà. Từ tháng 6/2009 đến nay, ngành chức năng đã thực hiện lệnh cấm biển, bảo vệ nghiêm ngặt gần 100ha thuộc khu vực Hòn Sụp, Bãi Bụt, Hục Lỡ, Vũng Đá và Đông Bãi Bắc từ bờ ra 300m ở độ sâu trung bình 12m.

Hai 2 tổ bảo vệ gồm các tàu của ngư dân cũng đã được thành lập, hoạt động ở khu vực gần bờ, vừa triển khai khai thác hải sản ngoài vùng cấm (chủ yếu câu mực), vừa quản lý bảo vệ, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm hệ sinh thái khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt...

Nguồn: VNN