Khi các công ty khai thác cát đen đi vào hoạt động tại Bình Thuận, nơi đây liên tục diễn ra những vụ bê bối về môi trường, mà hậu quả hiện chưa thể giải quyết dứt điểm.
Điển hình là từ khi hai đơn vị khai thác cát đen quy mô lớn đầu tiên là Công ty liên doanh Khoáng sản quốc tế Hải Tinh và Công ty Tân Quang Cường đi vào hoạt động tại khu vực Hàm Tân - La Gi, Bình Thuận, môi trường bị tàn phá nặng nề.
Khai thác đến đâu, đất hoang hóa đến đó
Lợi nhuận từ cát đen khiến Công ty Hải Tinh bất chấp luật pháp, khi tự ý làm đường giao thông để vận chuyển cát mà không thỏa thuận bồi thường đất cho 16 hộ dân. Để có nước sàng tuyển cát đen, Hải Tinh cũng không ngại bơm nước biển lên để lắng lọc quặng, khiến hơn 20 ha lúa của dân xung quanh bị nhiễm mặn, không thể sản xuất. Vùng quê yên bình của thị xã La Gi từ đây đối mặt với nạn cát bay.
Chung tình cảnh La Gi - Hàm Tân, nhưng mức độ ô nhiễm môi trường ở khu vực Hòa Thắng, Hồng Phong của huyện Bắc Bình còn trầm trọng hơn gấp nhiều lần, khi có đến 6 đơn vị khai thác cát đen xếp hàng cày xới trên diện tích gần 200 ha.
Đây chưa phải là khai thác như ở những mỏ cát đen đồ sộ, mà mới chỉ tận thu trên các dự án du lịch. Ở vùng đất vốn thiếu nước này, đất đai trở nên hoang hóa. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, ngư dân thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng, bức xúc: “Không chỉ có ruộng vườn, giếng nước ngọt chết đứng, mà ngay san hô ngoài biển cũng rụng dần. Từ ngày có nhà máy sàng tuyển cát đen, nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ ở vùng biển này phải úp thúng, kéo ghe lên bờ, vì tôm cá rủ nhau bỏ đi hết. Thất nghiệp thì đi làm mướn, nhưng cái khổ nhất của chúng tôi là nạn cát bay. Mùa gió thì ở ngay trong nhà cũng không trốn được sự tấn công của cát”.
Việc khai thác cát đen ở đây được tiến hành ba ca. Không chỉ khai thác vượt thiết kế, mà cả 6 đơn vị khai thác cát còn thản nhiên hút nước biển lên sàng tuyển quặng. Hệ thống cống của đường ĐT 716 - tuyến đường ven biển đẹp nhất của tỉnh Bình Thuận - được các đơn vị khai thác cát đen sử dụng đưa ống hút nước biển bơm chui qua, rồi chuyển lên đồi cao để tuyển quặng.
Liều hơn là Công ty Sao Mai, tự mở lối đi cho phương tiện vào vùng khai thác bằng cách đập một phần tường chắn cát của tuyến đường. Trên bãi biển, nước thải chảy xối xả, những hầm hố loang lổ. Vùng khai thác với hàng loạt hầm hố rộng hàng nghìn m2, cát xám xịt, biến dạng. Những vùng nằm ngoài quy hoạch cũng nhiễm mặn, vì hứng chất thải.
Thả nổi sản lượng
Theo tính toán của tỉnh, việc dừng các dự án du lịch để khai thác cát đen là để tránh lãng phí tài nguyên, tạo nguồn thu cho ngân sách. Nhưng thực tế nhiều năm qua, nguồn thu từ cát đen lại hết sức khiêm tốn. Năm 2007 là năm khai thác nhộn nhịp, nhưng chỉ thu có 644 triệu đồng và nguyên liệu chủ yếu là xuất thô sang thị trường Trung Quốc.
Dù việc khai thác cát đen trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã kéo dài nhiều năm nhưng sản lượng khai thác gần như đang bị thả nổi, doanh nghiệp muốn khai thác, xuất bán bao nhiêu ngành chức năng cũng không thể kiểm soát, quản lý. Theo Nghị định 63 của Chính phủ, ngoài nghĩa vụ thuế phải thực hiện khi khai thác khoáng sản, hằng tháng, chậm nhất là ngày 20, các đơn vị khai thác phải báo cáo sản lượng với chính quyền xã, nơi có nhà máy đóng chân, để quản lý tình hình khai thác, thu thuế tài nguyên trên sản phẩm thô (quy định 50.000 đồng một tấn).
Tỉnh cũng có Công văn 1192 vận động các doanh nghiệp khai thác cát đen trên địa bàn đóng góp tự nguỵên cho ngân sách xã để xây dựng, tu bổ công trình. Thế nhưng, chính quyền xã Hòa Thắng không hề được 6 công ty khai thác cát đen báo cáo sản lượng, báo cáo tình hình khai thác. Ông Mai Thành Lập, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, cho biết: khi làm gắt, các đơn vị này lại báo cáo bằng số liệu quặng đã qua tinh luyện. Còn thì tự khai thác, tự xuất bán. Khắp các công trình đâu đâu cũng trưng bảng “Không phận sự - cấm vào”, khiến xã cũng ngại kiểm tra. Hơn nữa, đây là việc làm vượt thẩm quyền của xã.
Để tránh việc kiểm tra, các doanh nghiệp khai thác cát đen ở Hòa Thắng và Hồng Phong thường vận chuyển quặng vào ban đêm. Cuối tháng 8/2009, Công ty Bằng Hữu xuất bán hơn 3.000 tấn quặng tinh nhưng không khai báo. Khi phát hiện, các cơ quan chức năng xử phạt với mức tiền không quá một triệu đồng.
Thực tế, việc khai thác, tận thu và xuất bán cát đen đến giờ cũng chưa có quy chế chặt chẽ. Vòng lẩn quẩn giữa cho phép xuất thô, rồi lại cấm, sau đó nới lỏng, khiến cho nguồn tài nguyên quý giá này không có cơ hội nâng giá trị. Cũng vì vậy mà các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không muốn đầu tư nhà máy chế biến, vì vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn bán thô hoặc xuất hàng sơ tuyển. Tại mỏ cát đen Bình Thuận, có rất nhiều doanh nghiệp chỉ xin giấy phép, rồi “bán lại” cho đơn vị khác khai thác để hưởng chênh lệch, hoặc khai thác bán thô.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có gần 13.000 ha diện tích vùng cát ven biển được xác định có cát đen trong tầng đất xám. Đây đều là các mỏ lộ thiên, trong đó có các mỏ có trữ lượng lớn, như Văn Kê, Thuận Quý (Hàm Thuận Nam), đang được đưa vào khai thác.