Quảng Nam: Phá rừng bảo tồn Đắk Zên

Cập nhật: 24/09/2009
Nằm cách trạm kiểm lâm Long Viên chưa đầy 5km, khu rừng Đắk Zên, thuộc vùng lõi, được bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã bị lâm tặc ngang nhiên chặt hạ giữa ban ngày…

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết đã củng cố hồ sơ, chính thức ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng tại tiểu khu 707, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt II thuộc khu bảo tồn và đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quảng Nam tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo hồ sơ, khu rừng Đắk Zên nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn. Lâm tặc đã dùng cưa máy triệt hạ hàng trăm cây gỗ quý như dổi hương, xoan đào (đường kính từ 0,6m đến 1,5m) từ nhiều tháng nay.

Vụ phá rừng nghiêm trọng này diễn ra giữa ban ngày, chỉ cách trạm kiểm lâm Long Viên khoảng 5km. Phải đến khi người dân trong khu vực gửi đơn tố cáo đến chính quyền địa phương huyện Phước Sơn, vụ phá rừng này mới được cơ quan chức năng kiểm tra.

Ông Hồ Văn Tang, trưởng thôn 5, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn kể: "Cách đây hơn 2 tháng, thấy cảnh rừng bị tàn phá, cán bộ huyện về tiếp xúc dân, chúng tui đã trình bày nhưng chẳng cán bộ nài nghe. Một số cán bộ còn bảo chặt cây là để lấy đất làm đường...".

Theo ông Tang, bọn phá rừng đem cả cưa máy đốn hạ cây nổ đinh tai nhức óc suốt ngày đêm. Không chịu được nên mình với bà con mới làm đơn tố cáo gửi UBND huyện Phước Sơn.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là một trong những khu bảo tồn lớn nhất Việt Nam do là vùng đa dạng sinh học với diện tích cả vùng đệm và vùng lõi hơn 200.000ha. Trong đó, riêng khu vùng lõi được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt, có diện tích 84.000ha, nằm trải dài trên hai huyện Phước Sơn và Nam Giang. Theo quy chế quản lý rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên là khu vực cần phải được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.

Rừng Đắk Zên thuộc tiểu khu 707 (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt II) của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nằm trên lâm phận của xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), cách đường Hồ Chí Minh chừng 5km đường chim bay. Nơi đó có một trạm kiểm lâm là Long Vân có nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ khu rừng này.

Ông Hồ Văn Tang kể, cách nay chừng một tháng khi vào thăm rẫy, nghe tiếng cưa máy nổ ầm trời và tiếng cây đổ ầm ào, hàng chục người đàn ông lạ mặt dựng lán trại, ngang nhiên hạ cây rừng.

“Đây là khu rừng cấm, đã bao đời nay bà con Mơ Nông mình chẳng ai dám đụng đến. Vậy mà, chỉ sau mấy ngày, hàng trăm cây cổ thụ hàng trăm tuổi đã bị đốn hạ…” , ông Tang kể trong sự nuối tiếc.

Ngay tại hiện trường, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị hạ sát gốc nằm chồng lên nhau. Hàng chục cây dổi hương (một loại gỗ quý hiếm) cũng bị chặt hạ và đã cưa xẻ chuẩn bị vận chuyển đưa đi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Lên - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh - nói: “Nhận được đơn tố cáo của người dân, chúng tôi đã khám nghiệm hiện trường, khoanh vùng điều tra và chính thức ra quyết định khởi tố vụ án và hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển cho cơ quan công an. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 tháng điều tra vẫn chưa phát hiện đối tượng phá rừng để xử lý…”.

Khi đặt câu hỏi tại sao vụ phá rừng Đắk Zên nằm chỉ cách trạm kiểm lâm 5km, nhưng lực lượng bảo vệ không biết? Ông Lên cho rằng lực lượng của hạt quá mỏng. Hiện hạt chỉ có 27 người phải quản lý 84.000ha rừng, không đủ sức quản lý hết, đó là chưa nói đến việc lực lượng bảo vệ rừng "tay không bắt giặc". 

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành làm rõ. Tuy nhiên, theo một cán bộ điều tra công an huyện Phước Sơn, trong vụ phá rừng nghiêm trọng này, hạt kiểm lâm không thể nói là không biết đối tượng phá rừng là ai.

Điều đáng quan tâm, là mới đây, lực lượng công an phối hợp với ngành chức năng đã phát hiện ông Phạm Ngọc Trung, sinh năm 1985, nghề nghiệp lái xe, thường trú tại Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên vận chuyển trái phép hơn 101 phách gỗ xẻ, chủng loại Gõ, Giổi; nhóm IIA, III có khối lượng 11,152 m3  trên xe ô tô đầu kéo biển số BKS 29R-1036) do Công ty Vận tải và Du lịch Hoa Việt làm chủ. Toàn bộ khối lượng gỗ trái phép trên được vận chuyển từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đưa về đồng bằng tiêu thụ. 

Nguồn: VietnamNet