Xuất phát từ ý tưởng khi tham gia Cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh xanh” với chủ đề “Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”, do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức, hai bạn trẻ Nguyễn Thị Minh Khuê và Lê Mẫn Nhi đã sáng lập “Sở Thú Studio” vào năm 2021 với mong muốn đưa phương pháp sản xuất “xanh” vào quá trình làm phim.
“Sở Thú Studio” là xưởng phim hoạt hình tái chế đầu tiên tại Việt Nam, mang đến những tác phẩm “xanh” từ ý tưởng đến các khâu sản xuất nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Nguyễn Thị Minh Khuê và Lê Mẫn Nhi trong buổi công chiếu phim “Vượt thành Axima”.
Gieo hạt mầm “xanh”
Kể về kỷ niệm những ngày đầu bắt tay vào dự án làm phim hoạt hình “Vượt thành Axima”, Lê Mẫn Nhi chia sẻ: “Để tạo bối cảnh, đúng nghĩa là chúng tôi nhặt rác về làm phim. Tôi thấy công việc ấy rất thú vị bởi nó góp phần hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường. Trong quá trình sản xuất phim, chúng tôi sử dụng những vật liệu gần gũi với đời sống hằng ngày như than tổ ong bỏ đi, len, giấy, bìa báo, xốp, bã cà phê...”. Bắt đầu bằng tình yêu thiên nhiên và mong muốn lan tỏa lối sống “xanh” đến với các bạn trẻ, dự án phim hoạt hình “Vượt thành Axima” có những bước đi, sáng kiến vô cùng độc đáo, đó là xây dựng bối cảnh, nhân vật trong phim hoàn toàn... từ phế liệu, vật liệu tái chế. Và thế là, những ngọn núi cùng đất đá trong bộ phim được hình thành từ miếng xốp nhặt từ bãi rác về rồi làm sạch đi, đắp báo, tô màu. Nền đất sử dụng thêm bã cà phê để tạo hiệu ứng giống như thật. Những viên gạch trong ngôi nhà được làm từ xỉ than hòa với nước, thêm một ít báo và nặn thành. Những bức tường được làm từ xốp và được tạo hình thêm cho sống động nhờ hỗn hợp báo trộn với xỉ than đã được xay nhuyễn...
Đặc biệt, nội dung của phim cũng về chủ đề bảo vệ môi trường, dung lượng chỉ 4 phút, khán giả được chứng kiến hành trình đi cứu mầm cây của một cậu bé và một con nhện trong bối cảnh không còn Mặt trời. Đây là một bộ phim thuộc thể loại hoạt hình tái chế stop-motion - sử dụng kỹ thuật làm phim truyền thống ghép nhiều ảnh tĩnh để làm nên chuyển động trên màn ảnh. Chia sẻ về cảm hứng làm phim, Nguyễn Thị Minh Khuê cho biết: “Với những người trẻ như tôi, gìn giữ môi trường hiện tại và khắc phục hậu quả mà con người đã gây ra là điều tất yếu. Chúng tôi có óc tưởng tượng, có mong muốn làm phim. Tôi mong phim của mình kể một câu chuyện thật hay, có thể gieo vào khán giả hạt giống suy nghĩ. Chờ nắng lên, hạt giống ấy sẽ nảy mầm”.
Lê Mẫn Nhi, đồng sáng lập dự án “Sở Thú Studio” bày tỏ: “Mình thích làm phim stop-motion bởi có nhiều công đoạn được làm bằng tay, như việc tái chế đồ cũ để tạo dựng bối cảnh, điều đó đúng với mong muốn của chúng mình là sử dụng “phương pháp xanh” trong sản xuất phim”. Tuy nhiên, vì đặt mục tiêu làm phim bằng vật liệu tái chế, các bạn trẻ đã gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất bởi phải lựa chọn vật liệu sao cho phù hợp với ngân sách có hạn, thân thiện với môi trường mà vẫn lột tả được thông điệp của phim. Mẫn Nhi chia sẻ: “Đợt làm phim “Vượt thành Axima”, chúng mình quyết định sử dụng những tấm xốp cũ, làm sạch, đắp báo lên và tô màu nhưng việc tìm xốp ở đâu và vận chuyển nó như thế nào cũng khá khó khăn. Mình nhớ, chúng mình từng phải đi đến bãi rác để tìm xốp, sau đó buộc những tấm xốp rất to ở trên xe máy và chở về”.
Chính sự sáng tạo trong việc tạo dựng bối cảnh, tỉ mỉ trong khâu dựng kịch bản mà phim ngắn "Vượt thành Axima'' đã chinh phục giám khảo cuộc thi ''Màn ảnh xanh'' do VFDA phối hợp cùng Tập đoàn Netflix tổ chức, và được trao giải Ba.
Mẫu bối cảnh phim được làm từ bìa báo, xốp, bã cà phê...
Lê Mẫn Nhi trong một chuyến đi gom phế liệu để làm bối cảnh phim.
Lan tỏa thông điệp “xanh”
Với “Điện ảnh xanh” hay “làm phim bền vững”, đội ngũ làm phim đặc biệt quan tâm đến các vấn đề môi trường bởi theo nhiều nghiên cứu thì khi thực hiện một bộ phim điện ảnh, quy mô càng lớn thì sẽ càng tiêu tốn năng lượng, nguyên vật liệu cũng như sản sinh ra nhiều rác thải. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp điện ảnh còn sản sinh ra một lượng khí carbon rất cao, có thể gây ô nhiễm nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái tự nhiên ở nơi được chọn làm bối cảnh phim. Chính vì thế, xu hướng “Điện ảnh xanh” ra đời với mục tiêu sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải... Một số hãng phim trên thế giới đã thực hiện sản xuất phim “xanh”, nghĩ cách tái chế các loại vật liệu như gỗ, thép, thủy tinh... sau khi phim hoàn thành thay vì vứt ra bãi rác. Đây là xu hướng làm phim mà các nền điện ảnh lớn trên thế giới đang hướng tới, nhằm tạo ra quy trình làm phim thân thiện với môi trường.
Ở Việt Nam, “Sở Thú Studio” chính là điểm tiếp nối cho phong trào nói trên. Không chỉ dừng lại ở cuộc thi "Màn ảnh xanh”, "Sở Thú Studio" còn muốn gây dựng và phát triển, cũng như lan tỏa xu hướng làm phim “xanh”. Do đó, nhóm các bạn trẻ của “Sở Thú Studio” đã xây dựng một xưởng sản xuất phim hoạt hình tái chế với các hoạt động tái chế rác thải, sử dụng các vật liệu, thiết bị làm phim thân thiện với môi trường, cung cấp giải pháp sản xuất "xanh" với từng tác phẩm... Trong ngày công chiếu phim, "Sở Thú Studio" còn tổ chức buổi triển lãm trưng bày đạo cụ, vật liệu làm phim; mở bán các sản phẩm tái chế nhằm gây quỹ ủng hộ quỹ Bảo vệ môi trường; tổ chức buổi trò chuyện về hoạt hình tái chế và thể loại stop-motion... với mong muốn lan tỏa khái niệm “Điện ảnh xanh” và truyền cảm hứng, hỗ trợ các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam mạnh dạn hơn trong các đề tài, ý tưởng bảo vệ môi trường. Trong tương lai, “Sở Thú Studio” mong muốn được hợp tác với các đơn vị, tổ chức cùng ý tưởng làm phim theo phương pháp “xanh” để sản xuất phim, video viral và cùng nhau lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới công chúng.
Lê Mẫn Nhi chia sẻ: “Sau dự án “Vượt thành Axima”, nhóm chúng tôi kết nối với nhiều đối tác để sản xuất video ngắn stop-motion, như phối hợp với Intel Việt Nam làm phim về mâm cỗ Tết, hợp tác với VTV4 và VTV2 để làm sản phẩm stop-motion với vật liệu chính là giấy bỏ đi, bìa, giấy bạc; đũa, thìa trong hộp đồ ăn nhanh... Chúng tôi vẫn giữ tinh thần "hành động xanh" từ buổi ban đầu của nhóm. Tinh thần ấy không chỉ được thể hiện trong quá trình sản xuất phim, mà được duy trì trong ý thức của từng cá nhân, thể hiện qua việc các thành viên trong nhóm đều chủ động mang bình nước cá nhân theo, luôn dọn rác thải sau khi hoàn thành công việc, chọn các vật liệu thân thiện với môi trường và tái chế nếu có thể...”.
Khánh Linh