Người An Giang chung tay làm du lịch

Cập nhật: 11/10/2023
An Giang sở hữu tài nguyên du lịch phong phú hàng đầu Tây Nam Bộ, được báo chí ví von là “thánh địa” du lịch của đất "chín rồng". Song, không dừng lại ở khai thác tài nguyên sẵn có, người An Giang đã và đang cùng nhau làm nên “thương hiệu” du lịch tỉnh nhà.

Du khách tham gia trekking núi Cấm. Ảnh: Yên Lương

Từng bước chuyên nghiệp hóa

Để xây dựng và phát triển du lịch bền vững, con người là nhân tố then chốt. Bởi thế, việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho những người làm du lịch được tỉnh An Giang chú trọng. Trong 2 năm 2022-2023, nhằm góp phần phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư đã tổ chức nhiều lớp tập huấn dành cho các đối tượng như cán bộ, nhân viên, người dân... tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Nội dung các lớp tập huấn đa dạng và thiết thực như kỹ năng xây dựng content marketing hiệu quả trên mạng xã hội (Long Xuyên), kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch (Tịnh Biên), kỹ thuật chế biến món ăn kết hợp rau rừng núi Cấm (Tịnh Biên), kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách du lịch cho người dân địa phương (Châu Đốc)... Mỗi lớp có trung bình khoảng 50 học viên tham gia.

Qua các lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn nhiều kiến thức và kỹ năng trong phục vụ khách du lịch, quảng bá sản phẩm và dịch vụ, chế biến đặc sản địa phương... Những nội dung bổ ích ấy không chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm du lịch, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh con người An Giang thân thiện, văn minh, hiếu khách...

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang cho biết: “Khi tổ chức các lớp tập huấn, mục tiêu của chúng tôi là mong muốn mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch nâng cao kiến thức để quảng bá hình ảnh địa phương và kỹ năng để phục vụ du khách. Điều đó mang đến những cảm nhận tốt đẹp trong lòng du khách, thúc đẩy họ quay trở lại An Giang những lần sau”.

Song song với đó, ngành du lịch An Giang chủ động học hỏi những cách làm hay, mô hình mới từ các tỉnh bạn. Năm 2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư đã tổ chức những chương trình học tập kinh nghiệm du lịch tâm linh ở Hà Nam và Ninh Bình, du lịch cộng đồng ở Cần Thơ, khảo sát điểm đến ở Lào Cai và Yên Bái...

Đối tượng là đại diện các khu điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các thành viên tham gia có cơ hội quan sát, tích lũy kinh nghiệm, tìm hiểu chính sách... ở các điểm đến.

Cùng nhau làm nên sự đa dạng

Sức hấp dẫn của du lịch An Giang không chỉ ở tài nguyên sẵn có, mà còn ở sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của con người. Trong vài năm gần đây, hàng loạt những sản phẩm và dịch vụ mới lạ đã xác lập chỗ đứng riêng của An Giang trên “bản đồ” du lịch đồng bằng sông Cửu Long như các loại hình thể thao mạo hiểm ở núi Cấm (trekking, hikking, trail), đêm nhạc acoustic “Tình ca Thiên Cấm sơn” hằng tháng, làng bè Sắc Màu ngã ba sông Châu Đốc, biểu diễn dù lượn ở Tri Tôn...

Nếu trekking núi Cấm là điểm nhấn của du lịch An Giang năm 2022, thì bước sang năm 2023, dấu ấn của địa phương là làng bè Sắc Màu và giải chạy bộ địa hình núi Cấm Trail. Với khoảng 160 chiếc bè được sơn 6 khối màu sắc khác nhau, làng bè Sắc Màu hứa hẹn là điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích sông nước, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Trong khi đó, những “tín đồ” của thể thao mạo hiểm đang trông chờ giải Núi Cấm Trail vào tháng 11, có sự tham gia của hơn 1.000 vận động viên, quy mô lớn nhất miền Tây từ trước đến nay.

Ngoài ra, người An Giang nói chung, trong đó đặc biệt là các bạn trẻ đã năng động khai thác các mô hình du lịch phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của địa phương. Nếu hai điểm tham quan sinh thái Mỹ Luông và Cồn Én đã tạo nên bức tranh miệt vườn sống động ở vùng sông nước Chợ Mới, thì huyện miền núi Tri Tôn gây chú ý với các khu cắm trại nghỉ dưỡng như An Suối Garden, Bảy Núi Farm, Garden Camp Ô Tà Sóc, Ganesha Ô Thum...

Để “thương hiệu” du lịch An Giang lan tỏa đến đông đảo du khách, một yếu tố khác không thể không kể đến, đó là công tác quảng bá. Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư đang triển khai xây dựng Cổng thông tin du lịch Check in An Giang, kết nối với hệ thống mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok cùng mang tên Check in An Giang. Đó là những kênh quảng bá hiệu quả vẻ đẹp của quê hương trên không gian mạng.

Bên cạnh khai thác tốt các tài nguyên tự nhiên và văn hóa để phục vụ du lịch, An Giang đang tiếp tục đầu tư vào con người, bằng sự chung tay của các ngành, các cấp và người dân trong toàn tỉnh. Bởi con người là chủ thể khai thác và phát triển hiệu quả các tiềm năng của địa phương.

Sự phát triển đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực chắc chắn sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của du lịch An Giang.

Yên Lương

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 08/10/2023