Lào Cai: Phát triển làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 11/10/2023
Tại Lào Cai, nghề truyền thống rất phong phú, đa dạng, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn nói chung và làng nghề nói riêng giữ vai trò quan trọng trong phát triển ở khu vực nông thôn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 30 làng nghề, trong đó 20 làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận tập trung vào các nghề: Nấu rượu, may - thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc, làm hương đốt, bánh phở.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 làng nghề có sản phẩm OCOP đạt sao, gồm: Nấu rượu, xã Bản Phố (huyện Bắc Hà); nấu rượu, xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa); chế biến miến dong, xã Bản Xèo (huyện Bát Xát). Trong đó, nhiều làng nghề đã phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường. Các làng nghề có sự tham gia của gần 1.300 cơ sở sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác, hộ gia đình và có sự tham gia của khoảng 2.600 lao động. Nghề truyền thống giúp người dân có thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lý Tả Mẩy (thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) làm quen với nghề thêu thổ cẩm từ nhỏ. Theo chị Mẩy, phụ nữ người Dao đỏ hầu như ai cũng biết thêu thổ cẩm để tự làm trang phục truyền thống cho bản thân và người thân trong gia đình. Sa Pa có thế mạnh phát triển du lịch nên ngoài thêu phục vụ nhu cầu của gia đình, các sản phẩm thêu truyền thống được sáng tạo thành hàng lưu niệm bán cho du khách. Tùy từng thời điểm, mỗi tháng chị Mẩy có thể kiếm thêm khoảng 2 - 5 triệu đồng từ nghề thêu thổ cẩm.

Chị Mẩy tâm sự: Chúng tôi tham gia các tổ, nhóm làm nghề thêu và thường nhận đơn thêu theo yêu cầu của các làng nghề. Thu nhập từ nghề này cũng khá.

Tháng 9/2022, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch được thực hiện nhằm bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề, gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề. Cùng với đó, phát triển làng nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng thôn, bản, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Để làm được điều đó, các địa phương cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.

Giai đoạn 2022 - 2025, các địa phương sẽ khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, trong đó tập trung bảo tồn và phát triển một số nghề truyền thống, làng nghề truyền thống như làm hương, làm cốm, may - thêu thổ cẩm, mây tre đan, chạm khắc bạc…

Ngoài ra, tùy theo đặc thù của từng địa phương, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai thực hiện với các nội dung như phát triển làng nghề gắn với các chương trình du lịch tham quan bản làng, chương trình du lịch văn hóa kết hợp sinh thái; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, nghề truyền thống không chỉ góp phần tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân mà còn mang lại những dấu ấn, bản sắc văn hóa của mỗi vùng, miền thông qua các sản phẩm văn hóa được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm hàng hóa, tạo thành các chuỗi liên kết (theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa). Bên cạnh việc nỗ lực khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, Lào Cai sẽ hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề...

Việc bảo tồn, phát triển làng nghề trong bối cảnh hiện nay là đòi hỏi cấp thiết nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bố trí lại lao động và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn

Thúy Phượng - Lê Nam

Nguồn: Báo Lào Cai - baolaocai.vn - Ngày đăng 08/10/2023