Triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” (gọi tắt là Triển lãm) do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk tổ chức từ ngày 6-8/10 tại Trường THPT Y Jút (xã Ea Bhốk) đã thu hút đông đảo người dân tới tham quan, tìm hiểu.
Vun đắp lòng tự hào
Triển lãm trưng bày và giới thiệu hơn 100 tư liệu quan trọng do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp như: bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỷ 16 - 19) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ 16 - 19) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ Trung Quốc do phương Tây và Trung Quốc xuất bản (thế kỷ 16 - 20) ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc…
Các tư liệu cho thấy nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng cán bộ, viên chức, người dân, học sinh... trên địa bàn huyện Cư Kuin tham quan Triển lãm.
Thông tin về Triển lãm được người dân đặc biệt quan tâm. Ông Trần Hậu Cứ (huyện Cư Kuin) bày tỏ sự xúc động khi được tiếp cận với khối tư liệu, những bằng chứng lịch sử về biển đảo. “Tôi vẫn luôn dõi theo tình hình biển đảo quê hương trên các phương tiện thông tin đại chúng; những buổi triển lãm như thế này giúp chúng tôi thêm hiểu biết khi được tiếp cận với những bằng chứng lịch sử pháp lý về Trường Sa, Hoàng Sa…”, ông Cứ bộc bạch.
Đến triển lãm, em Hoàng Gia Hân (lớp 11A1, Trường THPT Y Jút) dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, về biển đảo Việt Nam. Hân xúc động chia sẻ rằng, thông qua Triển lãm, em và các bạn càng thêm tự hào, càng ý thức phải bảo vệ biển đảo, chủ quyền của đất nước.
Cuộc triển lãm đã để lại ấn tượng thật khó phai về tình cảm, trách nhiệm của người dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thêm yêu biển đảo của Tổ quốc
Song song với công tác phối hợp chuẩn bị trưng bày Triển lãm, UBND huyện Cư Kuin đã tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo Việt Nam” dành cho học sinh THCS và THPT trên địa bàn huyện. Đây không chỉ là một trong những hoạt động hưởng ứng cuộc Triển lãm mà còn có ý nghĩa sâu sắc, giúp học sinh thể hiện những tình cảm tốt đẹp của mình về biển đảo Việt Nam; qua đó giáo dục về truyền thống yêu quê hương, đất nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của thanh thiếu niên, học sinh trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Học sinh Trường THPT Y Jút tìm hiểu các thông tin từ Triển lãm.
Cuộc thi đã nhận được hơn 3.000 bài dự thi của học sinh tại 18/18 trường bậc THCS và THPT trên địa bàn huyện tham gia. Nhìn chung, các bài thi có sự nghiên cứu, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí cuộc thi; một số bài thi có sự đầu tư về tư liệu, hình ảnh minh họa tương đối sinh động.
Bà Phùng Thị Vân Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Cư Kuin, thành viên Ban giám khảo Cuộc thi đã không giấu nổi sự xúc động khi đọc từng bài dự thi. Theo bà Yến, có nhiều bài viết tay, nét chữ đẹp và cẩn thận, cảm xúc rất chân thật.
Đơn cử như bài dự thi của em Quyền Mạnh Đức (lớp 7, Trường THCS 19/8) viết về người chiến sĩ hải quân kiên cường. Hình ảnh người chiến sĩ chính là hình ảnh của bố em, cũng là một người lính đảo đang công tác ở Vũng Tàu; hay bài của em Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (lớp 9C, Trường THCS Ea Tiêu) thể hiện sự khao khát một lần được đặt chân đến vùng đảo của Tổ quốc, mong muốn được trở thành người lính đảo để góp phần bảo vệ Tổ quốc…
Bảo Ngọc cho biết, tham gia Cuộc thi giúp em hiểu thêm về biển đảo Việt Nam; về lịch sử oai hùng của các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; về tinh thần của người dân biển, đảo luôn vượt qua khó khăn, sát cánh cùng các chiến sĩ bảo vệ chủ quyền đất nước.
Từ năm 2014 đến nay, Triển lãm lưu động "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức tại 7 huyện, thành phố gồm: TP. Buôn Ma Thuột, các huyện M’Drắk, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông và Ea H’leo và Cư Kuin.
Mai Sao