Từ bao đời nay, đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam luôn yêu, bảo vệ rừng. Với họ, rừng là cuộc sống, niềm vui, nơi sinh con đẻ cái, kiếm tìm kế sinh nhai. Bởi thế ở các huyện miền núi của Quảng Nam vẫn hiện hữu những cánh rừng già, nguyên sinh, đang trở thành các điểm du lịch trải nghiệm thú vị.
Lực lượng kiểm lâm cùng người dân địa phương khảo sát, bảo vệ rừng ở Tây Giang. Ảnh: ALăng Ngước
Tôn trọng, ứng xử văn minh với rừng
Đến huyện Tây Giang, ấn tượng nhất là độ che phủ rừng đến 73%. Điều đáng nói, ngoài những nét văn hóa độc đáo, người dân tộc Cơ Tu không chỉ giữ rừng, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn vận động cháu con sống theo pháp luật, không vướng vào các tệ nạn xã hội, không chặt phá rừng. Có lên Đỉnh Quế, rồi ngược tới núi Zi’liêng - nơi có quần thể pơ mu cổ với khoảng hơn 1.200 cây, trong đó có 725 cây có độ tuổi từ khoảng 300 đến 1.000 tuổi, được công nhận là Cây di sản Việt Nam, mới thấy hết sự hùng vĩ của núi rừng, đặc biệt là cảnh đẹp thơ mộng, nơi du khách có thể… với tới mây trời.
Trung tá Bhơnướch Đèn, Phó trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết: Tây Giang đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ rừng. Các cấp lãnh đạo huyện luôn nghiêm túc thực hiện phương châm: Rừng còn thì Tây Giang còn; rừng suy tàn thì Tây Giang cũng suy tàn. Đối với người Cơ Tu, rừng là của chung, bảo vệ rừng vì cái chung, cho cả cộng đồng, không cho bản thân, cá nhân. Bởi thế, họ luôn ứng xử văn minh, trân trọng rừng, tôn thờ thần rừng, nhất là rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng có nghĩa địa và rừng có nhiều gỗ quý hiếm, nhiều cây thuốc chữa bệnh cho dân.
Còn theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình cuộc vận động "người Cơ Tu dùng đồ truyền thống - nói không với rác thải nhựa", tránh phương hại trực tiếp đến môi trường rừng. Hoạt động nêu trên xuất phát từ việc Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" đến từng hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn 10 xã của huyện. Các cơ sở hội ở từng xã, thôn cũng chủ động xây dựng, đăng ký thực hiện mô hình bảo vệ môi trường và nhân rộng trên địa bàn. Khuyến khích hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon. Đồng bào Cơ Tu sống dựa vào thiên nhiên, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để làm ra nhà cửa, giường, kể cả chiếc cốc để uống nước…
Ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, nơi tập trung nhiều dân tộc Cơ Tu, việc giữ rừng, bảo vệ rừng cũng được bà con tuân thủ. Các cơ quan chức năng đã tích cực phòng chống "lâm tặc", triển khai các dự án trồng rừng lấy gỗ. Huyện Nam Giang xác định trồng rừng gỗ lớn là mục tiêu chiến lược phát triển lâm nghiệp miền núi, những năm qua, huyện triển khai linh hoạt nhiều dự án trồng rừng, trong đó chú trọng trồng rừng lấy gỗ. Để việc phát triển rừng đạt hiệu quả cao, những năm qua Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang đã thực hiện hỗ trợ người dân trồng rừng lấy gỗ lớn. Ông Hồ Viết Căn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2022, mỗi xã trên địa bàn được hỗ trợ gần 400 triệu đồng để triển khai cùng người dân trồng cây, nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Còn ở Đông Giang, bên cạnh công tác tổ chức tuần tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ, trồng rừng. Đồng thời, xây dựng Quy chế phối hợp các lực lượng chức năng trong huyện kiện toàn Đoàn kiểm tra liên ngành bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng hằng năm.
Ðể người dân sống bình yên bên rừng
Ông Bhríu Hùng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tây Giang cho biết, nhờ có nhiều cánh rừng nguyên sinh với các loại cây gỗ quý như: lim, đỗ quyên, pơ mu… và dưới tán rừng, các loại thảo dược quý, Tây Giang đang là địa phương có nguồn nguyên liệu được người dân gìn giữ, phát triển. Với những giá trị độc đáo về đất và người, thời gian qua huyện đã có nhiều chủ trương, định hướng, chính sách để phát triển du lịch với mục tiêu xuyên suốt là dựa vào rừng, lấy rừng làm nhân tố gốc và lấy việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, nhất là giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu làm nền tảng để phát triển du lịch. Với định hướng đó, đến nay du lịch Tây Giang đã và đang phát triển theo hướng chủ yếu là du lịch xanh.
Mười năm qua, Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam triển khai mô hình du lịch sinh thái, du lịch xanh để thu hút du khách, giúp đồng bào người Cơ Tu nơi đây "sống" được nhờ rừng một cách bình yên. Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang, chia sẻ: Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã có nhiều chủ trương, định hướng, chính sách để phát triển du lịch, đặc biệt phải dựa vào rừng, lấy mầu xanh của rừng làm nhân tố gốc để phát triển du lịch; cùng với đó, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, nhất là giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
Anh Pơloong Plênh, nhà thơ người Cơ Tu có nhiều năm tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, tự hào: "Với người Cơ Tu ở Quảng Nam, rừng như là vị thần thiêng liêng của làng, của cộng đồng. Người Cơ Tu không xem rừng là thứ tài nguyên để chiếm lĩnh, khai thác, mua, bán và chiếm lấy bằng mọi giá về mình mà họ xem rừng như người thân yêu ruột thịt".
Ở nhiều nơi, rừng nguyên sinh bị "chảy máu", gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Việc người Cơ Tu ở Quảng Nam có ý thức, đối xử văn minh với rừng thông qua hệ thống các giá trị của các hương ước, luật tục… là điều rất đáng trân trọng.
Diên Khánh