Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tháng 2/2021, Tỉnh ủy Lai Châu ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Ngay sau đó, các cấp chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai cụ thể hóa nghị quyết bằng nhiều văn bản chỉ đạo cũng như kế hoạch hành động.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, sau hơn 2 năm triển khai quyết liệt, Nghị quyết 04-NQ/TU đã đạt được những kết quả ban đầu khá khả quan. Các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết cơ bản đều được cụ thể hóa, đã có 5/6 mục tiêu cụ thể được triển khai, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Lựa chọn, xác định những giá trị văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc thiểu số có số lượng dân số đông, sinh sống thành cộng đồng để bảo tồn và phát huy ở từng địa điểm. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh đã xây dựng 2 hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể quốc gia đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xây dựng 30 bộ sưu tập hiện vật của 10 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Nhằm phục vụ trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch, tỉnh chỉ đạo xây dựng 1 bộ phim tư liệu về vùng văn hóa dân tộc Thái. Lựa chọn, định hướng, hỗ trợ xây dựng 05 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Giáy, Lự. Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đạt sản phẩm du lịch OCOP 3 sao và “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.
Triển khai 4 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; phục dựng 10 lễ hội, duy trì tổ chức 34 lễ hội; tổ chức 22 lớp truyền dạy về nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo hình trang phục; phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của 11 dân tộc; khôi phục quy trình sản xuất 1 nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học, 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng không gian văn hóa các dân tộc tiêu biểu, 45 trường học thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hoá các dân tộc.
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào văn hoá văn nghệ trong quần chúng nhân dân không ngừng phát triển, toàn tỉnh có 88,6% đội văn nghệ thôn bản và 24 đội văn nghệ xã, 16 câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ dân gian xã phường, thị trấn hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Đội ngũ trí thức, lực lượng văn nghệ sỹ được xây dựng, phát triển cả về số lượng và chất lượng, tích cực động viên, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và tham gia các cuộc thi sáng tác về văn học, nghệ thuật. Coi trọng việc xét tặng, tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân, chủ thể văn hóa có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, toàn tỉnh có 1 Nghệ nhân nhân dân, 15 Nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản tích cực, chủ động tham gia trao truyền các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp thông qua các lớp truyền dạy, các hoạt động của đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa tại cộng đồng.
Tỉnh đã chú trọng các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, 3 tỉnh Bắc Lào và liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các vùng Trung - Nam Bộ thông qua các sự kiện. Nhiều sự kiện văn hóa quy mô khu vực, toàn quốc được tổ chức thành công đã góp phần quảng bá thế mạnh phát triển cũng như hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Lai Châu, từng bước đưa Lai Châu trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, nhiều tiềm năng. Đến nay, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 39,6%/năm; tổng doanh thu ước đạt 1.207 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, Lai Châu đã dành nguồn lực đáng kể cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc. Từ năm 2021-2023, tỉnh đã phân bổ 72,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và gần 140 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra, tỉnh cũng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác để huy động thêm nguồn lực cho văn hóa. Trong đó, đã huy động 57,5 tỷ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Những nỗ lực của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc nhằm khai thác tiềm năng du lịch đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thành công của Lai Châu chứng tỏ rằng, việc đầu tư cho văn hóa không chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn tạo ra giá trị kinh tế - xã hội to lớn, đặc biệt là đối với ngành du lịch. Đây thực sự là bài học quý báu cho tỉnh trên con đường hướng tới tương lai.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, Lai Châu vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần khắc phục, như: do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn cấp từ Trung ương nên tính chủ động của địa phương còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, du lịch còn mỏng, thiếu về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ; cơ sở hạ tầng du lịch như giao thông, khách sạn, nhà hàng... của Lai Châu còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; Lai Châu cần xây dựng thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, có sức cạnh tranh cao để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền và các địa phương trong tỉnh nên tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu còn dang dở của Nghị quyết. Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách về lĩnh vực văn hóa và du lịch. Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hạ tầng du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ khách. Thứ tư, nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để tạo sức cạnh tranh với các địa phương trong khu vực. Thứ năm, mở rộng hợp tác, xúc tiến quảng bá để giới thiệu hình ảnh du lịch Lai Châu đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Với truyền thống đoàn kết, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Lai Châu hoàn toàn có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục khai thác hiệu quả văn hóa truyền thống, biến nguồn lực văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.
Lê Chí Công - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy