Ngày 17/10/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy bình đẳng giới để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Việt Nam”. Nội dung xoay quanh sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH và cơ hội lồng ghép bình đẳng giới vào thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH (NBSAP) tại Việt Nam.
Theo ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TNMT, Việt Nam nằm trong số 16 quốc gia có mức độ ĐDSH cao nhất thế giới, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học này là nguồn gen quý giá cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Từ xưa đến nay, các loài động, thực vật phong phú đã được các gia đình Việt Nam sử dụng trong mọi mặt của đời sống, đặc biệt là dưới bàn tay của phụ nữ. Phụ nữ có mặt ở mọi khâu: Từ tạo ra sản phẩm đến tiêu dùng và sử dụng sản phẩm từ nhiều nguồn lực khác nhau. Ngày nay, phụ nữ không chỉ là đối tượng hưởng lợi mà còn là lực lượng tham gia tích cực vào những nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, tiềm lực của phụ nữ vẫn chưa được khai thác đầy đủ để xứng đáng với vai trò của mình. Nữ giới vẫn bị thiệt thòi trong tiếp cận các lợi ích từ rừng, cảnh quan thiên nhiên, thể hiện ở sự chênh lệch giữa nam và nữ về tỷ lệ đăng ký tham gia và nhận tiền phân bổ từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật, ngoài ra, thu nhập của phụ nữ thường thấp hơn nam giới và khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam. Trong công tác bảo tồn ĐDSH và tài nguyên, việc tận dụng sự khác biệt, đa dạng về vai trò, nhu cầu, kinh nghiệm của những tầng lớp, đối tượng, giới tính khác nhau là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Trong đó, trao quyền cho phụ nữ là một trong những yếu tố then chốt, giúp công tác bảo tồn ĐDSH ngày càng bền vững.
Tọa đàm tập trung vào các nội dung chính: Giới thiệu quy định pháp luật về bình đẳng giới và cơ hội lồng ghép bình đẳng giới vào việc thực hiện Chiến lược ĐDSH quốc gia (NBSAP) tại Việt Nam; điểm mạnh của phụ nữ trong hoạt động môi trường nói riêng, BVMT nói chung; thực hành các mô hình từ khắp nơi trên thế giới và kinh nghiệm từ kết quả của Dự án ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới trong lĩnh vực môi trường; Báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương về bình đẳng giới trong lĩnh vực BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ bình đẳng giới trong các tổ chức bảo tồn, hội phụ nữ đã tập trung chia sẻ, thảo luận về thế mạnh của phụ nữ trong công tác bảo tồn nói riêng, BVMT nói chung; vấn đề bình đẳng giới; các mô hình thực tiễn trên thế giới và kinh nghiệm từ kết quả Dự án Phòng chống bạo lực giới trong ngành bảo tồn; đánh giá nhu cầu bình đẳng giới trong bảo tồn ĐDSH trên thế giới và áp dụng tại Việt Nam: Từ việc tham gia bảo tồn, xây dựng chính sách bảo tồn đến chia sẻ lợi ích từ hoạt động bảo tồn; giải pháp từng bước để đưa bình đẳng giới thành một tiêu chí đánh giá trong các hoạt động thực hiện NBSAP của Việt Nam; giải pháp huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu bình đẳng giới cho lĩnh vực bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam. Qua đó, đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách khuyến khích tăng cường vai trò của phụ nữ tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH.
TS. Nguyễn Sĩ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách TNMT nhận định, Chiến lược quốc gia về ĐDSH chưa có chỉ tiêu về giới, bình đẳng giới để có thể thực hiện trong quá trình triển khai các giải pháp , nhiệm vụ ưu tiên của Chiến lược. Hiện nay, chưa có nguồn lực để lồng ghép giới trong các nội dung ưu tiên của Chiến lược, chưa có hướng dẫn kỹ thuật về lồng ghép giới riêng cho hoạt động bảo tồn. Hệ thống giám sát thực hiện chiến lược cũng thiếu chỉ số liên quan đến bình đẳng giới (ví dụ: vai trò của phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH...). Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của lĩnh vực này cũng chưa có dữ liệu phân tách giới. Hoạt động truyền thông trong buôn bán động vật hoang dã mới đề cấp đến nam giới, trong khi phụ nữ có thể là người quyết định mua sản phẩm từ động vật hoang dã, hoặc mang chúng ra chợ bán...
Về mặt thuận lợi, hiện nay, nhận thức về giới và vai trò của phụ nữ ngày càng được ghi nhận nhiều hơn trong bảo tồn ĐDSH nói riêng và BVMT nói chung. Các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới cũng nhận hỗ trợ từ tổ chức quốc tế hay chương trình hợp tác quốc tế. Các quỹ môi trường như Quỹ Môi trường toàn cầu, Khí hậu xanh, Thích ứng... đều yêu cầu các bên đề xuất dự án phải đánh giá tác động về giới do các can thiệp dự án mang lại. Phụ nữ cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác bảo tồn ĐDSH, cả nghiên cứu khoa học lẫn triển khai hoạt động thực tiễn, điều tra nguồn gen, đặc biệt là kiến thức về động, thực vật bản địa của những người phụ nữ trong cộng đồng dân cư. Sự hiểu biết về ĐDSH, giá trị sinh thái ngày càng đầy đủ hơn, đặc biệt là sinh kế của người dân, trong đó có phụ nữ khiến họ trở nên chủ động tham gia vào các hoạt động bảo tồn.
Từ những yếu tố trên cho thấy, cần nghiên cứu, xác định chỉ tiêu liên quan đến giới trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách giới; nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong hoạt động bảo tồn để xác định các thông tin đầu vào để lồng ghép giới vào chính sách liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH, các chỉ tiêu về quy hoạch đa dạng sinh quốc gia, dự án bảo tồn. Cùng với xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép giới trong chính sách nói chung và hành động bảo tồn ĐDSH nói riêng, cần triển khai thực chất các chương trình, chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Hồng Cẩm