Là một quốc gia có đường bờ biển kéo dài, Việt Nam sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học biển khi tham gia Hiệp định biển cả?
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 (diễn ra từ ngày 19-25/9/2023 tại Mỹ), Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký kết Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định biển cả). Là một quốc gia có đường bờ biển kéo dài, Việt Nam sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học biển khi tham gia Hiệp định biển cả. Bài viết sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.
Dấu mốc lịch sử
Ngày 20/9/2023, trong phiên họp tại Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp định về biển cả. Đây là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gen biển tại các vùng biển quốc tế. Trước đây, Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định 1 quốc gia có 5 vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia (bao gồm hệ thống nội thủy, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và 2 vùng biển quốc tế (biển cả và vùng đáy biển quốc tế). Theo đó, biển cả là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia, hoặc thuộc vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo (United Nations 1982).
Có thể nói rằng, vùng biển cả với diện tích khoảng 1/2 Trái đất có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh, góp phần vào tính đa dạng sinh học chung trên Trái đất. Nhiều báo cáo gần đây cho thấy, các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia vốn chiếm 2/3 diện tích đại dương, nhưng đến giờ chỉ có khoảng 1/2% được bảo vệ và 0,8% được bảo vệ ở mức độ cao. Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế thì hơn 1.550 (chiếm khoảng 10%) trong tổng số 17.903 loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng. Trước đây, chưa có bất kỳ quy định nào về việc điều chỉnh và phân chia lợi ích là kết quả của việc khai thác nguồn lợi (nguồn gen) thu được từ biển cả; đồng thời cũng chưa có cơ chế cụ thể nhằm điều phối, kiểm soát các hoạt động nhằm bảo vệ nguồn gen này khỏi bị suy giảm, cạn kiệt hoặc mất (chỉ có quy định về quyền tự do đánh cá và nghiên cứu khoa học tại vùng biển cả).
Hiệp định biển cả được ký kết lần này gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với các quy định tập trung chủ yếu vào những vấn đề chia sẻ lợi ích nguồn gen biển; thiết lập khu bảo tồn biển; đánh giá tác động môi trường biển; xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển; các vấn đề chung (cơ chế ra quyết định, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính…). Hiệp định này đã ghi nhận nguyên tắc cơ bản khi xem xét “nguồn gen biển cả” là tài sản chung của nhân loại, tất cả lợi ích thu được từ nguồn gen biển cả này cần phải được chia sẻ công bằng giữa tất cả các quốc gia, kể cả các quốc gia không có biển.
Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam
Là quốc gia có đa dạng sinh học cao và là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đa dạng sinh học của Việt Nam thể hiện ở các cấp độ gồm: đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng về các loài sinh vật, đa dạng về nguồn gen phong phú và đặc hữu với hơn 50.000 loài đã được xác định, trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XII năm 2018 đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã và xác định rõ biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, ngành thủy sản được xác định là một trong các ngành kinh tế biển chủ đạo trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Vùng biển Việt Nam có khoảng 6.000 loài động vật đáy, hơn 2.000 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển, 43 loài chim nước, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô…
Đa dạng sinh học rạn san hô đảo Thuyền Chài - Trường Sa.
Với tầm quan trọng của đa dạng sinh học nói chung và giá trị to lớn của nguồn tài nguyên di truyền nói riêng, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen từ biển. Đặc biệt từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/05/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó có việc thành lập 16 khu bảo tồn biển như một phần trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Hiện nay đã có 10/16 khu bảo tồn biển đã đi vào hoạt động tại: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc và 6 khu đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết (Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Trà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần). Dự thảo Đề án “Mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển” đã đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 Việt Nam sẽ có sẽ có 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích vùng biển được bảo tồn khoảng 442.235 ha (khoảng gần 0,44% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam).
Một góc Rừng ngập mặn Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).
Mặc dù hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam được thành lập muộn hơn so với các khu bảo tồn trên cạn nhưng có vai trò quan trọng, giúp cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển, góp phần phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, việc hình thành hệ thống các khu bảo tồn biển còn góp thêm cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, cũng như tham gia giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Có thể thấy, Hiệp định biển cả là sự tiếp nối, nhắc lại các quy định có liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982 bao gồm nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, tôn trọng cân bằng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ và lợi ích của các quốc gia được quy định trong Công ước và mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững. Việc thông qua và ký Hiệp định của các quốc gia đã đánh dấu nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh các nước thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững số 14 (phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển).
Có thể khẳng định, Hiệp định biển cả là cơ sở pháp lý tạo thuận lợi cho các quốc gia được quyền hưởng thụ công bằng các nguồn gen quý từ đại dương. Đây là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, vươn ra “biển lớn” để tham gia hưởng lợi nhiều nhất các giá trị mà Công ước Luật biển 1982 và Hiệp định biển cả mang lại. Đồng thời là động lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đại dương và là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển.
Để nhận được sự chia sẻ lợi ích nguồn gene biển này, trước hết đòi hỏi các quốc gia trong đó có Việt Nam phải tăng cường hợp tác quốc tế để bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn lợi sinh vật biển dựa trên các quy định pháp luật quốc tế được ràng buộc pháp lý. Hiệp định là cơ hội để thực hiện những cơ chế cam kết quốc tế, hợp tác nghiên cứu trong khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển. Đây là cơ hội để thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo. Để làm được điều đó, Việt Nam phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội để tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất về Hiệp định biển cả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có những hành động ở cấp quốc gia, giúp nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia biển trong thế giới đại dương toàn cầu. Bên cạnh đó, các bộ/ngành và tổ chức, địa phương liên quan phải chuẩn bị các phương án (kịch bản) để tích cực và chủ động tham gia bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia ở khu vực biển Đông và ngoài biển cả. Cần nâng cao năng lực của các đơn vị có chức năng về nghiên cứu biển, đại dương bằng cách chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ về quản trị biển, về khoa học và công nghệ biển có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết, tư vấn các vấn đề quy định trong Hiệp ước định. Đặc biệt, Việt Nam có thể lựa chọn mô hình về bảo tồn để thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế, trong đó có thể xem xét kế hoạch xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia, công viên biển hòa bình, vùng biển đặc biệt nhạy cảm với các quốc gia láng giềng, các vùng biển cận biên nhằm tuân thủ các công ước, điều ước quốc tế về biển, về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Việc tham gia Hiệp định biển cả là một bước đi tích cực nhằm thúc đẩy ngành khoa học và công nghệ biển và có trách nhiệm thông qua việc chấp nhận các nguyên tắc và quy định bảo tồn của Hiệp định. Mặc dù tinh thần của Hiệp định là không cản trở và tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đang phát triển, Việt Nam cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách về đa dạng sinh học, trong đó có việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, góp phần bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên tử biển để triển khai hiệu quả các cam kết trong Hiệp định biển cả.
Trần Mạnh Hà