Việc có bờ biển dài, vùng biển rộng, nguồn lợi thủy sản phong phú chính là điều kiện thuận lợi để TP Móng Cái phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường biển, đảo.
Người dân Trà Cổ thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản (NTTS)
Triển khai các chỉ đạo của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, TP Móng Cái đã ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường thành phố, trong đó xác định nhiệm vụ cụ thể đối với công tác bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Công tác tuyên truyền về nhiệm vụ này được các cấp, ngành, đoàn thể của thành phố tích cực triển khai, đặc biệt là trong các tuần lễ biển, hải đảo hằng năm. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, giá trị của biển, hải đảo đối với cuộc sống của con người và sự cần thiết phải có những hành động để bảo vệ tài nguyên biển.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 18/8/2023 của UBND tỉnh về tổ chức đợt ra quân cao điểm làm sạch rác thải, phao xốp trên mặt biển trong phạm vi toàn tỉnh, TP Móng Cái đã xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm thực hiện di dời, giải tỏa các trường hợp NTTS không theo quy hoạch; thu gom, xử lý vật liệu trôi nổi trên biển trên địa bàn thành phố; đồng thời phát động các hoạt động bảo vệ môi trường…
Đến nay, tỷ lệ thay thế phao xốp đối với các cơ sở, hộ NTTS trên địa bàn thành phố đạt 30,5%; tỷ lệ di dời, giải tỏa các cơ sở NTTS không phù hợp quy hoạch đạt 95,5%.
Đợt ra quân này đã khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, phao xốp trôi nổi trên mặt biển trong phạm vi toàn thành phố. Các xã, phường, lực lượng chức năng đã thực hiện trục vớt, thu gom, xử lý toàn bộ các vật liệu NTTS thải bỏ và rác thải trôi nổi trên vùng biển thuộc địa bàn quản lý theo đúng quy định, đảm bảo cảnh quan, môi trường biển, an toàn giao thông.
Máy cào vỏ ốc được sử dụng làm sạch bãi biển Trà Cổ.
Ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường biển do rác thải, phao xốp trôi nổi; tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa, xu hướng hạn chế, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa tác động tiêu cực đến môi trường, nhằm hạn chế rác thải nhựa đại dương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan; nghiêm cấm không để xảy ra hiện tượng đốt phao xốp, hoặc xử lý phao xốp không đúng quy định.
Trong quá trình tháo dỡ, di dời lồng bè NTTS, các xã, phường chỉ đạo lực lượng chức năng tháo dỡ đến đâu phân loại, thu gom chất thải đưa đi xử lý đến đó.
Nhân viên BQL Khu du lịch Trà Cổ thu gom rác thải trên bãi biển.
Các ngành chức năng trên địa bàn TP Móng Cái tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng mặt biển và môi trường khu vực nuôi biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm, nhất là việc xả chất thải, nước thải… ở các cơ sở nuôi và vùng nuôi không đúng quy định. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản, sâu sắc trong nhận thức, hành động, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển kinh tế biển tại địa phương.
TP Móng Cái đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Với bờ biển dài, vùng biển rộng, nhiều nguồn lợi thuỷ sản giá trị kinh tế cao, vùng biển Móng Cái là ngư trường không chỉ của người dân địa phương trong tỉnh, mà cả ngư dân ở các tỉnh khác cũng đến đây khai thác. Theo đó, Móng Cái chỉ đạo các phường, xã thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân thực hiện “3 không” trong khai thác, gồm: Không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc; không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; không khai thác các loài thuỷ sản nhỏ hơn quy định.
Do được tuyên truyền thường xuyên nên nhận thức của ngư dân trên địa bàn có sự chuyển biến mạnh, các hộ đi biển thực hiện tương đối tốt quy định “3 không”. Ngư dân của thành phố mỗi khi phát hiện người dân các địa phương khác vi phạm “3 không” trong khai thác thuỷ sản đều báo ngay cho chính quyền biết, xử lý.
Chính quyền TP Móng Cái cũng tích cực phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT) trong việc tuyên truyền, giải toả những trường hợp người dân địa phương và các tỉnh lân cận sử dụng đăng đáy để khai thác thuỷ sản ở các bãi triều trên địa bàn, trả lại nguyên trạng vùng bãi triều là những khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong mùa sinh sản của các loài thuỷ sản. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn thành phố đã xử lý hàng chục trường hợp khai thác thủy sản trái phép trên các vùng biển.
Nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP tại cơ sở nuôi tôm của gia đình ông Bùi Văn Trình (thôn Đông, xã Vạn Ninh).
UBND thành phố cũng đã điều chỉnh quy hoạch khu du lịch Trà Cổ, triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu du lịch này với nhiều hạng mục như: Đường dạo ven biển Trà Cổ, hệ thống kè bãi biển, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống cứu hộ, cứu nạn... Thành phố cũng tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai dự án trồng rừng ngập mặn ở các xã, phường.
Đến nay, Móng Cái có hàng trăm ha rừng ngập mặn bảo vệ môi trường sinh thái biển ở các phường, xã: Trà Cổ, Hải Hoà, Hải Tiến, Hải Đông... Đồng thời thường xuyên tổ chức các chiến dịch thu gom rác thải bảo vệ môi trường biển ở khu vực bãi biển Trà Cổ - Bình Ngọc; xử phạt nghiêm các hành vi xả thải ra biển; phê duyệt và thường xuyên kiểm tra phương án chống sự cố tràn dầu trên sông, trên biển... Duy trì và triển khai thường xuyên chiến dịch "Hãy làm sạch biển", “Ngày chủ nhật xanh”, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhân dân phường Trà Cổ và CBCS Đồn BP Trà Cổ thu gom rác thải dọc bãi biển.
Với diện tích NTTS rộng hơn 1.800ha và hàng nghìn hộ nuôi, nước thải nuôi thuỷ sản từ các ao đầm xả ra biển mang theo nhiều mầm bệnh đã làm cho một số khu vực biển bị ô nhiễm, do đó TP Móng Cái đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng cho các vùng NTTS tập trung. Đến nay, 11/12 xã, phường có diện tích nuôi tôm tại Móng Cái đã hình thành các vùng NTTS tập trung ứng dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao.
TP Móng Cái tích cực bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.
Với việc thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường đã tạo đà cho Móng Cái triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược chuyển đổi phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, lấy du lịch, dịch vụ làm nền tảng, nòng cốt cho sự phát triển bền vững, góp phần thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chủ đề năm của tỉnh “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, xây dựng tỉnh Quảng Ninh sáng - xanh - sạch - đẹp.
Hữu Việt