An Giang - nơi địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đón nhận dòng Mê Kông hùng vĩ chảy vào Việt Nam, là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, có vùng Thất Sơn hùng vĩ bậc nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện An Giang có 02 di tích văn hóa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt gồm: Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu Di tích Óc Eo-Ba Thê. Trong đó, Khu Di tích Óc Eo-Ba Thê đang được tiến hành lập Hồ sơ đề cử, trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Di tích Gò Cây Thị A
Cách đây gần 80 năm, Di tích Văn hóa Óc Eo được phát hiện và khai quật khảo cổ lần đầu tiên (vào ngày 10 tháng 02 năm 1944). Kể từ đó đến nay, nhiều địa phương trong vùng Nam Bộ, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long qua thời gian, đã liên tục khám phá và phát hiện ra nhiều di tích, di chỉ có giá trị mới thuộc nền Văn hóa Óc Eo; nhưng tiêu biểu và quan trọng nhất vẫn là quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê thuộc tỉnh An Giang ngày nay.
Với giá trị đặc biệt và tầm vóc lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”. Đây là đề án khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và là nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia.
Từ năm 2017 đến năm 2020, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo-Ba Thê với quy mô lớn, có diện tích trên 16.000 m² tại 2 khu vực là cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê với 8 địa điểm: Gò Giồng Cát, Gò Giồng Trôm, Gò Óc Eo, Lung Lớn (Cánh đồng Óc Eo); Gò Sáu Thuận, Gò Út Trạnh, Chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc (núi Ba Thê).
Hiện vật Óc Eo được trưng bày tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á” tại tỉnh An Giang vào ngày 17/11/2023
Kết quả khai quật tại khu di tích Óc Eo-Ba Thê đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ. Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê cũng đã phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn đưa lại một bức tranh khá sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa rất đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử.
Có thể nói, những kết quả nghiên cứu cho thấy, với tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, Óc Eo-Ba Thê không chỉ đóng vai trò là một đô thị hay thành phố ven biển mở rộng giao lưu với thế giới, một trung tâm buôn bán, trung chuyển thương mại giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á mà còn thực sự là một trung tâm gia công, sản xuất hàng hóa lớn của Đông Nam Á. Tiềm năng, sức mạnh kinh tế đô thị đó đã sớm định hình, thúc đẩy sự chuyển hóa xã hội Phù Nam nói chung, trong đó đô thị Óc Eo trở thành đô thị thương mại. Nhờ đó, đô thị Óc Eo-Ba Thê đã tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian địa lý, đưa vùng đất đầm lầy ven biển trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở Đông Nam Á, kết nối với Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển bậc nhất ở Đông Nam Á.
Các kết quả nghiên cứu và những nhận định khoa học của Đề án là những bằng chứng khoa học quan trọng, là các nguồn tư liệu vật chất rất xác thực, cung cấp cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng nội dung Hồ sơ di sản trình UNESCO, đặc biệt là phù hợp với các Tiêu chí của UNESCO nêu dưới đây.
Tiêu chí (ii): Vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến đường thương mại châu Á nối liền Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong hệ thống đó, đô thị Óc Eo-Ba Thê nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Đông và phương Tây.
Tiêu chí (iii): Trong không gian tự nhiên và xã hội tương đối tách biệt, tính bản địa của văn hóa Óc Eo đã được hình thành trong một quá trình vận động và phát triển lâu dài từ giai đoạn Tiền Óc Eo, thế kỷ II - I trước Công nguyên, đến giai đoạn Hậu Óc Eo, khoảng thế kỷ VIII - IX sau Công nguyên. Tính bản địa đó được thể hiện rõ qua quy hoạch đô thị, kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc nhà sàn, các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, và các xưởng chế tác thủ công (đồ gốm, đồ trang sức…). Các loại hình di vật của văn hóa Óc Eo đều thể hiện trình độ kỹ thuật và tư tưởng nghệ thuật rất cao.
Tiêu chí (v): Sống ở vùng đồng bằng thấp trũng, tiếp xúc gần với biển, ngập lụt theo mùa, xâm nhập mặn… nhưng cộng đồng cư dân cổ Óc Eo đã biết thích nghi với môi trường, vận dụng sáng tạo các quy luật tự nhiên để tồn tại. Họ đã biết đào nhiều kênh mương lớn khai thông ra biển cả, kết nối liên vùng để canh tác nông nghiệp, khai thác thủy hải sản, phát triển thủ công nghiệp và giao lưu kinh tế, văn hóa, đưa vùng đất đầm lầy ven biển trở thành đô thị và khu cư trú sầm uất và nổi tiếng trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên.
Chính những giá trị quan trọng của Khu Di tích khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê; vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chủ trương giao cho tỉnh An Giang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, tiến hành lập Hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Với sự cố gắng của địa phương và sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương; đến nay, tỉnh An Giang đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ giai đoạn 1 (trong quy trình 2 giai đoạn của UNESCO). Vừa qua, Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) đã cử các chuyên gia đến Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, để thực hiện quy trình tập trung theo quy định của UNESCO. Tỉnh An Giang đang phấn đấu đến năm 2026, sẽ hoàn thành và bảo vệ Hồ sơ chính thức trước UNESCO tại Pháp.
Quang cảnh Hội thảo Khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á” tại tỉnh An Giang vào ngày 17/11/2023
Để hướng tới nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa Óc Eo, đồng thời tiếp tục làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị cổ Óc Eo trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên; cung cấp thêm những bằng chứng, các dữ liệu khoa học liên quan đến di sản văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á; làm sáng tỏ hơn những giá trị nổi bật của Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (An Giang) trong việc xây dựng Hồ sơ trình UNESO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và góp phần thiết thực vào chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong tương lai, ngày 17/11/2023, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phối hợp đồng chủ trì tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á”. Đây là Hội thảo Khoa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam về văn hóa Óc Eo./.
Ngọc Hân