Trong khi người dân nội thành Hà Nội thiếu không gian công cộng, không gian sinh thái thì khu vực bãi nổi sông Hồng, với diện tích lên tới hơn 300ha, vẫn bị bỏ hoang nhiều năm nay. Thành phố Hà Nội đang tìm giải pháp biến bãi nổi này thành công viên sinh thái.
Bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành công viên văn hóa đa chức năng trong tương lai.
Ngày 24/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi ven sông Hồng.
Bãi nổi (hay bãi giữa) sông Hồng chạy dọc theo bốn quận nội đô, gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên. Nơi đây có tiềm năng để khai thác, triển khai thành không gian công cộng và trở thành công viên văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi đặc biệt.
Tuy nhiên, suốt thời gian qua, bãi giữa sông Hồng rộng cả trăm hecta bị bỏ hoang, trong khi người dân Hà Nội thiếu chỗ vui chơi, giải trí.
Vấn đề khai thác, phát huy giá trị không gian, cảnh quan bãi nổi sông Hồng được đặt ra từ lâu. Song, những năm trước đây, vấn đề này gặp phải rào cản về pháp lý, đặc biệt là các quy định về Luật Đê điều.
Tuy nhiên, hiện nay, thành phố đã phát triển định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan của Thủ đô, xây dựng thành phố “quay mặt ra sông”; đồng thời, thành phố cũng đã thông qua Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở), trong đó, thống nhất việc khai thác, phát triển bãi nổi thành Công viên văn hóa đa chức năng.
Tuy nhiên, việc cải tạo, khai thác bãi nổi lớn như bãi nổi sông Hồng là điều chưa có tiền lệ, đặc biệt là cần các giải pháp để hài hoà giữa phát triển với bảo vệ cảnh quan, sinh thái; an toàn thoát lũ…
Hội thảo có sự tham gia của nhiều bên như: Các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc; đại diện lãnh đạo các quận quản lý bãi giữa sông Hồng; đại diện nước ngoài.
Các chuyên gia đều thống nhất việc quy hoạch, cải tạo bãi nổi sông Hồng tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn mang lại nhiều lợi ích.
Trong đó, nhiều chuyên gia thống nhất việc cải tạo, xây dựng Công viên văn hóa đa chức năng tại bãi giữa sông Hồng phải tôn trọng yếu tố “xanh”, tức hài hòa giữa bảo vệ cảnh quan với việc triển khai xây dựng các công trình; bảo đảm tuyệt đối an toàn thoát lũ; xây dựng các tuyến giao thông đường thuỷ, đường bộ kết nối với bãi nổi một cách hợp lý.
Các chuyên gia cũng thảo luận, đề xuất những giải pháp để vận hành bãi nổi một cách lâu dài, trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các địa phương hiện đang quản lý bãi nổi; vai trò của cầu Long Biên khi cải tạo bãi nổi thành công viên...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu kinh nghiệm cải tạo thành công nhiều bãi nổi trên sông tại các nước tiên tiến trên thế giới.
Dự kiến, sau khi ghi nhận ý kiến từ Hội thảo, thành phố sẽ mở cuộc thi ý tưởng quốc tế liên quan khai thác giá trị cảnh quan mặt nước bờ vở sông Hồng và bãi nổi để từng bước hiện thực hoá việc khai thác giá trị của “lá phổi xanh” độc đáo giữa đô thị này.
Giang Nam