Long An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, quê hương của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc. Trong kháng chiến, Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Truyền thống vẻ vang này là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá cho Long An phát huy gắn với phát triển du lịch trong tương lai - sáng mãi 8 chữ vàng.
Khách tham quan Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (huyện Đức Huệ)
Để ghi nhớ thành tích vẻ vang của quân, dân Long An trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thời gian qua, tỉnh đầu tư xây dựng, tôn tạo nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa. Mỗi khu di tích đều có một câu chuyện đặc biệt, là “địa chỉ đỏ” du lịch hấp dẫn; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Nhiều nơi đáng đến
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh hiện có 125 di tích lịch sử, văn hóa, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử, văn hóa phổ biến nhất ở tỉnh đưa vào phục vụ tham quan gắn với phát triển du lịch khoảng 19 di tích và công trình văn hóa, chủ yếu là các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Trong đó, có thể kể đến: Di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng), Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (huyện Đức Huệ), Bảo tàng Long An (TP.Tân An), Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa), Di tích lịch sử Chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc), Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Vĩnh Phong (huyện Thủ Thừa),...
Các di tích lịch sử đưa vào khai thác du lịch đều được trùng tu theo hướng khoa học, bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện nay, các địa phương còn tăng cường mời gọi đầu tư theo xu hướng mở ra các hạ tầng, dịch vụ thu hút du khách, tập trung hướng đến du lịch nhiều hơn. Trong đó, có thể kể đến Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An, nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Đảng bộ và quân, dân Long An trong 2 cuộc kháng chiến.
Hiện nay, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An được quy hoạch trở thành điểm tham quan du lịch với diện tích 98ha và là điểm đến được quan tâm. Với lợi thế có khuôn viên rộng và nhiều hạng mục công trình phong phú, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An vừa giúp du khách tìm hiểu về truyền thống lịch sử của tỉnh, vừa có không gian nghỉ ngơi giữa chuyến hành trình.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Long An (Bảo tàng - Thư viện tỉnh) cũng là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến Long An. Là nơi lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của đất và người Long An, Bảo tàng đem đến cho du khách cái nhìn bao quát về lịch sử, con người của quê hương trung dũng, kiên cường.
Khác với các di tích lịch sử, đình Vĩnh Phong và chùa Tôn Thạnh lại là điểm đến mang tính tín ngưỡng, tâm linh. Nếu đình Vĩnh Phong là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật và ẩn chứa câu chuyện về người dựng làng, lập ấp thì chùa Tôn Thạnh lại gắn liền với áng văn chương bất tử Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Hiện nay, mỗi điểm đến đều đã có những sản phẩm du lịch rất riêng, sẵn sàng chào đón và mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Với sự mộc mạc, chân thành, Ban Quản trị đình Vĩnh Phong sẽ kể cho du khách nghe về câu chuyện của người mở đất, thết đãi khách đến thăm những món ăn vừa dân dã, vừa đặc sắc.
Tại chùa Tôn Thạnh, sau khi nghe thuyết minh tìm hiểu về chùa, dưới những tán cây rợp mát và không gian tĩnh lặng, bình yên, du khách có thể trải nghiệm thiền tập để lắng lòng tìm về sự an yên.
Từ du lịch học đường đến du lịch văn hóa
Với những tiềm năng, lợi thế đã nêu, Long An có nhiều cơ hội phát triển du lịch văn hóa trong tương lai. Phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã khẳng định: “Đẩy mạnh xã hội hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa, di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tiềm năng, lợi thế và tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực” là những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tiếp tục “Đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Long An, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Du khách trải nghiệm thiền tại chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc)
Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch mà trước hết là phát triển du lịch học đường nhằm giáo dục truyền thống và vun bồi tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Việc đẩy mạnh du lịch học đường vừa giúp học sinh, sinh viên của tỉnh hiểu được truyền thống lịch sử của thế hệ cha anh, vừa góp phần giúp địa phương hoàn thiện các dịch vụ, phát triển du lịch Long An.
Trong Hội thảo Phát triển du lịch năm 2023, chủ đề Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh Đoàn cùng các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các trường, cơ sở Đoàn tổ chức hoạt động tìm hiểu, tham quan, học tập các giá trị lịch sử, văn hóa nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, gắn với phát triển du lịch.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Giáo dục và đào tạo, Đoàn Thanh niên cùng sự chung tay của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhằm đem đến cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh những chương trình tham quan, học tập, sinh hoạt, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương hấp dẫn; tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn, nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa của quê hương, góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Việc bảo đảm chất lượng cho các chương trình này là tiền đề quan trọng định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch học đường của tỉnh trong thời gian tới.
Ngoài di tích lịch sử, các tour du lịch học đường còn chú trọng kết hợp những điểm đến học tập, trải nghiệm, vui chơi, giải trí (Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tại Khu du lịch Chavi Garden)
Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu di tích lịch sử đang có định hướng phát triển du lịch có nhiều cơ hội “cọ xát”, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách. Khi các dịch vụ hoàn thiện và nâng cao chất lượng sẽ tạo thành điểm nhấn, thu hút du khách đến từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Điều đó vừa giúp quảng bá về hình ảnh đất và người Long An, vừa góp phần giúp du lịch tỉnh ngày càng phát triển.
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch học đường nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ là nền tảng vững chắc để hướng đến xây dựng và phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Việc phát triển du lịch văn hóa cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Trong đó, tập trung đẩy mạnh du lịch học đường là giải pháp then chốt vừa giúp người Long An hiểu Long An, vừa từng bước hoàn thiện dịch vụ nhằm quảng bá hình ảnh Long An trong thời gian tới./.
Mộc Châu