Là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Trải qua thời gian, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thành viên của câu lạc bộ hát Then, đàn Tính các xã, thị trấn của huyện Quảng Hoà tham gia lớp truyền dạy nghệ thuật đàn và hát dân ca.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái là 1 trong 15 di sản văn hoá của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Cao Bằng, thực hành Then đã và đang được đồng bào Tày, Nùng gìn giữ và phát huy trong đời sống. Những chi hội, câu lạc bộ hát Then, đàn Tính được thành lập và duy trì hoạt động ở tất cả các huyện, thành phố đã minh chứng cho sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của di sản này, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.
Đều đặn 2 tuần 1 lần, những thành viên của câu lạc bộ hát Then, đàn Tính các xã, thị trấn của huyện Quảng Hoà đều tập trung đông đủ tại nhà văn hoá để cùng nhau sinh hoạt, tập đàn, tập hát. Tham gia câu lạc bộ, các chị em không chỉ được trau dồi kỹ năng, được sống với niềm yêu thích, niềm đam mê của mình, mà còn là động lực để họ vượt lên những nhọc nhằn, vất vả trong lao động sản xuất. Điểm đặc biệt của các chi hội, câu lạc bộ hát Then, đàn Tính là không chỉ có sự tham gia của các chị em phụ nữ mà còn có cả những người cao tuổi và trẻ em. Có những em mới chỉ 4, 5 tuổi, chưa biết đọc, chưa biết viết nhưng đã biết cách cầm đàn, đánh đàn và thuộc một vài bài hát then cơ bản, được tham gia biểu diễn ở nhiều sân khấu, sự kiện lớn của địa phương.
Với mục tiêu gìn giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca trong kho tàng văn hóa các dân tộc, trong đó có di sản hát then, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã và đang nỗ lực triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động. Với 70 hội viên ban đầu khi mới thành lập, đến nay, Hội đã phát triển 10 chi hội tại tất cả huyện, thành phố với tổng số trên 2.000 hội viên tự nguyện tham gia. Không chỉ vậy, các chi hội trực thuộc cũng đã có phân hội tại các xã, thị trấn. Cùng với việc chủ động xây dựng các chương trình văn nghệ, hội thi hát dân ca từng bước đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, hướng dẫn các nghệ sĩ, nghệ nhân có tâm huyết tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật đàn và hát dân ca, hát Then, đàn Tính cho khoảng 600 học viên, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then - Tính, tạo nên phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng sâu rộng trên địa bàn.
Bên cạnh di sản hát Then, Cao Bằng hiện có trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và tư liệu hóa; 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về di sản vật thể, hiện có 2 bảo vật quốc gia, 98 di tích đã được xếp hạng các cấp. Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tham mưu đắc lực cho tỉnh trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; triển khai nhiều dự án bảo tồn; đẩy mạnh quảng bá giá trị di sản văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Trên cơ sở chính sách, định hướng phát triển, tỉnh Cao Bằng đã và đang gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành động lực, là nhân tố quan trọng, là sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh, đem lại những hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Nguyệt Hà - Đàm Kiều