Sa Thầy (Kon Tum): Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ

Cập nhật: 05/12/2023
Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Đề án) của UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành liên quan của huyện tập trung vận động nhân dân khôi phục nghề truyền thống, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo đó, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục khôi phục, bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, phát huy giá trị văn hóa đối với 5 nghề truyền thống của huyện, đó là: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống.

Trong quá trình phát triển nghề truyền thống, các cấp chính quyền đều gắn với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS, nhất là đội ngũ thanh thiếu niên về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, qua đó bước đầu thực hiện tốt việc phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng.

Đối với nghề dệt thổ cẩm, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ 61 khung dệt, chỉ dệt cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm; đồng thời, tổ chức 1 lớp học nghề dệt thổ cẩm cho 10 hộ đồng bào dân tộc Rơ Măm tại xã Mô Rai.

Đội nghệ nhân làng Chốt, thị trấn Sa Thầy hòa tấu nhạc cụ truyền thống. Ảnh: H.N

Đến nay, toàn huyện có trên 300 nguời DTTS tại chỗ biết dệt vải và có khả năng truyền dạy cho lớp trẻ, 10 nghệ nhân làm nghề đẽo thuyền độc mộc, 12 nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bất cập. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống có mặt còn hạn chế. Nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy kỹ năng và phát triển nghề truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS còn hạn chế.

Vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất nghề truyền thống manh mún, rải rác, chủ yếu mọc tự nhiên. Các sản phẩm nghề truyền thống chưa đa dạng, phong phú và chưa theo kịp thị hiếu thị trường. Giá thành của các sản phẩm truyền thống cao nên khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định cho tiêu thụ sản phẩm.

Tốc độ đô thị hóa và sự phát triển của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ. Số người biết làm nghề truyền thống chủ yếu là người lớn tuổi, sức khỏe yếu, thợ có tay nghề giỏi ngày càng ít.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các bất cập, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết của Trung ương về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tập trung khôi phục, bảo tồn, phát huy 5 nghề truyền thống của huyện, đó là: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, tạc tượng, phù hợp với tình hình thực tế và văn hóa truyền thống của từng DTTS tại chỗ. Trong đó, tập trung huy động các nghệ nhân có tay nghề cao tiếp tục truyền dạy nghề cho thế hệ kế cận, thanh thiếu niên đồng bào DTTS để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc và địa phương mình.

Bà Y Điết ở làng Le, xã Mô Rai bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: HN

Xây dựng danh mục quà lưu niệm gồm các sản phẩm chủ yếu như: túi sách, áo lưu niệm bằng thổ cẩm; nhạc cụ truyền thống và các sản phẩm từ đan lát để phục vụ quảng bá tại các hoạt động du lịch, lễ hội, tuần lễ văn hóa, hội nghị, hội thảo, ngoại giao, tiếp khách, đại hội các DTTS trên địa bàn. Từng bước nghiên cứu xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm khác và tổ chức quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm, gắn với công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.

Tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng việc đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống để đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở vẫn giữ được yếu tố truyền thống, đặc trưng của sản phẩm. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng xây dựng các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn; duy trì, phát triển các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm truyền thống tại các làng du lịch cộng đồng, điểm du lịch.

Có như vậy mới bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

Hồng Nhung

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 05/12/2023