Ngày 26.12, Hội thảo "20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng" do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở VHTT Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO – Công ước 2023.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo diễn ra vào thời điểm chúng ta đang khẩn trương chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, hy vọng những kết quả từ Hội thảo, những tiếng nói, những đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo sẽ cung cấp những thông tin bổ ích cho việc xây dựng văn bản hết sức quan trọng này.
Cách đây 20 năm, tại phiên họp lần thứ 32 tại Paris (Cộng hòa Pháp), Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - Văn bản mang tính pháp lý quốc tế và là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 5.9.2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước, trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này và đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
“Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.
Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đầu tiên trong số 181 quốc gia thành viên của Công ước tính đến thời điểm này, tổ chức kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực từ Trung ương tới các địa phương liên quan trong năm 2023…”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, hội thảo khoa học “20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” nhằm góp phần đánh giá việc thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO trong 20 năm qua; liên hệ với Luật Di sản văn hóa; chỉ ra sự tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Hội thảo mong muốn sẽ đề xuất được các khuyến nghị và kế hoạch hành động, nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa.
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào Luật Di sản văn hóa (2001, 2009). Nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Luật. Luật Di sản văn hóa dành riêng một chương để quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể quy định trong Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, làm cân bằng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần, quy định của Công ước 2003, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại.
Cũng theo ông Nông Quốc Thành, một trong những sự kiện nổi bật đánh giá về công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là tháng 12.2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với kết quả nêu trên, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với các di sản văn hóa phi vật thể trình và đã được UNESCO ghi danh vào các danh sách, Bộ VHTTDL đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương có di sản thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết. Với cương vị là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ của Công ước nhiệm kỳ 2022 – 2026, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Các chuyên gia, nhà quản lý, các cộng đồng, nghệ nhân đã đối thoại đa chiều và khách quan nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận nhận diện thách thức, tồn tại trong công tác bảo vệ di sản trong những năm qua. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, di sản có thể được các tác nhân bên ngoài và cả cộng đồng định danh giá trị cũng như chịu sự tác động đa chiều bởi định chế di sản, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng, nghệ nhân cũng chia sẻ các trường hợp điển hình về thực hành tốt và bài học kinh nghiệm, với điểm nhấn là thành phố Hà Nội. Hội thảo cũng đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có việc điều chỉnh và sửa đổi Luật Di sản văn hóa.
Tại Hà Nội, ngành Văn hóa Hà Nội đã thực hiện công tác kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể nhằm bảo vệ di sản. Từ năm 2013, Sở VHTT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa tổ chức thực hiện việc điều tra, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu lập đề án bảo vệ một số di sản cần bảo vệ khẩn cấp và lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia một số di sản đại diện trên toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố.
Trưởng Phòng quản lý di sản văn hóa (Sở VHTT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, mô hình tổ chức kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện tại Hà Nội là: Cơ quan quản lý di sản văn hoá các cấp - cộng đồng - tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đến nay, các danh mục được bàn giao về các quận, huyện, thị xã để địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội, cơ quan quản lý và cộng đồng đều ý thức giữ gìn, tổ chức nhiều hoạt động phát huy giá trị di sản. Điển hình như nghi thức và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (hồ sơ đa quốc gia), được cộng đồng ý thức gìn giữ.
Ông Ngô Quang Khải, Trưởng Tiểu BQL di tích đền Trấn Vũ cho biết, ngay sau khi nghi thức và trò chơi kéo co ngồi được UNESCO ghi danh, trên cơ sở chỉ đạo của quận Long Biên và phường Thạch Bàn về việc tuân thủ các cam kết và tiêu chí trong Công ước 2003 của UNESCO, Tiểu BQL di tích đền Trấn Vũ luôn chủ động trong việc quản lý, tổ chức lễ hội định kỳ hằng năm để thực hành trò chơi và nghi lễ, tổ chức các hoạt động giao lưu trong nước và quốc tế, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền dạy, giáo dục truyền thông cho học sinh các trường trên địa bàn phường và quận.
Hội thảo “20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” đã góp phần đánh giá việc thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2023 của UNESCO 20 năm qua. Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2023, cũng như tự cường trong việc đóng góp và bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa trên thế giới.
Bảo Ngân