Tết - Cơ hội để sáng tạo du lịch

Cập nhật: 05/01/2024
Nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc đang hấp dẫn du khách yêu thích văn hóa. Trong đó, Tết Nguyên đán - nguồn tài nguyên du lịch quý giá, cần được khai thác mạnh mẽ và sáng tạo hơn nữa, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động tái hiện Tết xưa tại phố cổ, điểm nhấn của du lịch Thủ đô trong dịp năm mới. Ảnh: Minh Khiếu

Tương hỗ giữa du lịch và văn hóa

Các nghiên cứu đều cho rằng, du lịch đóng vai trò thiết yếu như nâng cao đời sống kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Khi người dân địa phương có được những lợi nhuận từ di sản văn hóa, tự bản thân họ sẽ ý thức hơn về giá trị của di sản văn hóa và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Du lịch văn hóa hỗ trợ việc gìn giữ, trùng tu tôn tạo di sản văn hóa, những nghệ nhân được thỏa mãn đam mê với nghề, vực dậy những ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiệt huyết truyền lửa cho các thế hệ trẻ, góp phần thúc đẩy, phát triển các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa.

Nhưng thực tế cho thấy, giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa lại có không ít mâu thuẫn. Quản lý du lịch tốt sẽ bảo đảm sự bền vững của di sản. Ngược lại, quản lý kém, khai thác “vô tội vạ” sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị di sản văn hóa, làm thay đổi, mai một di sản văn hóa và khiến ngành du lịch văn hóa không phát triển bền vững, lâu dài và không thể phát triển đồng bộ với di sản văn hóa.

Hoạt động du lịch phải căn cứ vào đặc điểm văn hóa riêng của mỗi vùng miền, xem xét các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan gây hại đến di sản và môi trường, tìm hiểu nhu cầu thay đổi của thị trường. Cần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia.

Mục tiêu cho những trải nghiệm đặc biệt

Tết Nguyên đán, ngày hội văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam không chỉ là dịp để con người trở về với nguồn cội mà còn là dịp để con người cùng nhau “đi”, cùng nhau tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ, những giá trị tinh thần cao đẹp. Trên hành trình ấy, con người sẽ được đắm mình trong không khí nhộn nhịp, tưng bừng của ngày Tết, được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền, được thưởng thức những món ăn ngon, giúp con người nhân thêm tình yêu quê hương, đất nước, thêm trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc.

Tết Nguyên đán đã trở thành cơ hội cho ngành du lịch thể hiện sức mạnh nội tại, khai thác hiệu quả các lợi ích, phối hợp nhịp nhàng giữa vui chơi và mua sắm, giữa tìm hiểu giá trị văn hóa với thưởng thức ẩm thực, giữa chứng kiến và tham gia trải nghiệm từ sự đa dạng các hoạt động, nghi lễ. Một đơn cử, ghé thăm Quảng Bình dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa, lễ hội đặc sắc của vùng đất này. Từ quảng trường Hồ Chí Minh, quảng trường biển Bảo Ninh, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, núi Thần Đinh, chùa Đại Giác, chùa Hoằng Phúc… đến những hang động kỳ vĩ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách sẽ được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống và thiên nhiên tươi đẹp.

Những năm gần đây, ngành du lịch Quảng Bình đang là cầu nối giữa cung và cầu, khai thác song hành giữa các giá trị vật chất và tinh thần, linh thiêng, tín ngưỡng và thế tục, đời thường. Cụ thể, trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán, ngành du lịch Quảng Bình đã tổ chức nhiều tour trọn gói, tổ chức nhiều chương trình hay, lý thú. Đặc biệt, chương trình tái hiện không gian chợ quê với nhiều hoạt động như viết câu đối đỏ, thư pháp, bói Kiều, nặn tò he… nhiều món hàng dân dã, đậm chất quê kiểng như bánh chưng, bánh đúc… và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo đã để lại nhiều ấn tượng khó quên cho du khách.

Bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành du lịch Việt Nam. Tết Nguyên đán vẫn là một sản phẩm văn hóa độc đáo, hấp dẫn, là nguồn tài nguyên quý giá cho ngành du lịch. Nhiều yêu cầu đang tiếp tục đặt ra cho hoạt động du lịch Tết Nguyên đán với kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm đặc biệt, thú vị, mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn. Trong một quãng thời gian nhất định, các nhà tổ chức, dịch vụ làm sao để du khách được đắm mình trong không khí náo nhiệt, tưng bừng của lễ hội; thưởng thức những món ăn ngon, đặc sắc; hòa mình vào những điệu múa, làn điệu dân ca truyền thống; tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của dân tộc...

Phát triển du lịch là một giải pháp góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Tết Nguyên đán. Bảo tồn tính đa dạng, bản sắc văn hóa dân tộc song song với phát triển du lịch, trong trường hợp Tết Nguyên đán, cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp.

Hầu hết trong các chuyến du lịch, du khách không chỉ thỏa mãn sở thích xê dịch, giải trí, thư giãn, mua sắm mà còn mong muốn được khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa vùng đất mà mình đến thông qua những sản phẩm độc đáo chứa đựng giá trị văn hóa lịch sử.

Hoàng Thụy Anh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 04/01/2024