Trong vùng biển tỉnh Kiên Giang có đảo Hòn Đốc thuộc xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên và quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải. Trong đó quần đảo Nam Du có 2 đơn vị hành chính xã An Sơn và xã Nam Du, thuộc nhiệm vụ quản lý của Vùng 5 Hải quân. Với vị trí tiền tiêu, Nam Du và Hòn Đốc luôn bảo đảm mục tiêu chiến lược bảo vệ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Bãi biển Hòn Đốc với vẻ đẹp hoang sơ
• Vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh
Phóng viên theo Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cập cầu cảng dài bước lên khu dân cư xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, là đảo lớn nhất trong số 16 đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc, cách đất liền khoảng 20 km, diện tích khoảng 11 km2, điểm cao nhất khoảng 81 m so với mực nước biển. Phía Đông của đảo giáp thành phố Hà Tiên, phía Tây giáp thành phố Phú Quốc, phía Bắc giáp tỉnh Kam Pot của Campuchia. Biển trời quê hương vào xuân, phóng viên được dạo bước giữa những cung đường rợp sắc hoa vàng, những rặng dừa rợp mát và bãi biển dài uốn lượn hoang sơ để đến đỉnh cao Trạm Ra đa 625, thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân.
Cung đường rợp bông hoa vàng lên Trạm Ra đa của Hải quân Vùng 5 trên đảo Hòn Đốc
Trưởng Trạm Ra đa 625, Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với những phần quà về tinh thần và vật chất của hậu phương dành cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Những thành tích bảo vệ biển trời Tây Nam của Tổ quốc trong những năm qua của đơn vị luôn có sự đồng hành của hậu phương. Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh cam kết với hậu phương: “Cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị Trạm Ra đa 625 chúng tôi quyết tâm huấn luyện thành thạo tất cả phương án chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 24/24 giờ quan sát, phát hiện các mục tiêu trên vùng biển Tây Nam được đảm nhiệm...”.
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, trên đảo Hòn Đốc hiện có gần 450 hộ dân, với hơn 1.700 nhân khẩu. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, hiện nay trên đảo có các lực lượng Trạm Ra đa 625 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 738, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn 519, Trung đoàn 893, Quân khu 9; Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 và Đại đội 5, Tiểu đoàn 866, Lữ đoàn Công binh 83. Đảo Hòn Đốc có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Từ thế kỷ trước, nơi đây đã xác định một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống các tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam. Hiện nay trên đảo Hòn Đốc còn lưu giữ cột mốc chủ quyền được xây dựng tại phía Tây của đảo năm 1958. Đây là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
“Đảo Hòn Đốc có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nằm gần với đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia. nơi có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng giữa hai nước. Vùng biển khu vực đảo Hòn Đốc có tài nguyên hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển...”, theo nhận định của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.
Đảo Hòn Đốc có vị trí địa lý nằm gần với đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia
Tương tự với chiến lược ”2 trong 1” vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển trên đảo Hòn Đốc, quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá khoảng 100km về phía Đông Bắc, gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống với hai đơn vị hành chính cấp xã là xã An Sơn và xã Nam Du, có tổng diện tích khoảng hơn 10 km2. Đây là quần đảo được ví như Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh. Trong những năm qua, cơ sở vật chất hạ tầng trên đảo được đầu tư xây dựng với hệ thống cầu cảng, đường giao thông vòng quanh đảo, trường học, trạm y tế và các công trình an sinh xã hội phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
Hiện nay, trên hai xã đảo của quần đảo Nam Du có hơn 1.100 hộ dân với hơn 4.100 nhân khẩu, cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương, trên đảo còn có các đơn vị dân sự và quân đội đứng chân như Trạm Ra đa 600 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 742, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và Trạm Hải đăng Nam Du thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Một số dự án du lịch đang đầu tư, đi vào hoạt động trên đảo Nam Du
• Xã đảo nông thôn mới nâng cao
Bí thư Đảng ủy xã An Sơn Trần Quốc Toản nhớ lại bắt đầu từ năm 2015, nhiều đoàn du khách tự phát tìm đến xã đảo An Sơn thuộc quần đảo Nam Du để trải nghiệm tắm biển, câu cá, câu mực, thưởng thức tại chỗ và mua về các đặc sản địa phương như mứt hạt me mềm, cốm, khô cá nhồng một nắng, khô cá xanh xương một nắng, mắm nêm... Họ đến từ các địa phương trong tỉnh Kiên Giang và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bằng các phương tiện tàu đánh cá hoặc tàu du lịch từ thành phố Rạch Giá ra khoảng 4 - 5 giờ. Đến năm 2018, người dân trong xã bắt đầu xây dựng các nhà trọ, nhà nghỉ phục vụ du khách lưu trú qua đêm. Từ năm 2020 đến nay, nhu cầu khách du lịch đến lưu trú dài ngày để tham quan, trải nghiệm du lịch xã đảo An Sơn nói riêng, quần đảo Nam Du nói chung ngày càng tăng, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kiên Giang đã tìm đến địa phương đầu tư các khách sạn hạng sang như: Nam Du Palace - khách sạn hạng sang thân thiện môi trường, quy mô 55 phòng theo kiến trúc châu Âu; các Resort Meta Sea Nam Du; LangChia Nam Du... với tổng công suất phục vụ hàng trăm lượt khách nghỉ dưỡng mỗi ngày.
Đến nay trong số sản phẩm đặc sản ưa chuộng của khách du lịch ở xã đảo An Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là nước mắm cá thu, cá cơm được người dân đánh bắt trong ngư trường xung quanh đảo, sau đó chế biến bằng phương pháp thủ công đặc biệt. Tính riêng trong năm 2023, ngư dân xã đảo An Sơn đã đánh bắt gần 7.300 tấn hải sản các loại, tăng gần 100 tấn so với năm 2022. Nghề kinh tế biển ở xã đảo du lịch An Sơn còn đang phát triển với mô hình nuôi cá bớp, cá mú với 35 hộ nuôi 62 bè, tương ứng với 165 lồng, đạt tổng sản lượng 95 tấn trong năm 2023, tăng 24 tấn so với năm 2022.
Bí thư Đảng ủy xã An Sơn Trần Quốc Toản đánh giá: “Mô hình nuôi cá bớp, cá mú lồng bè của xã An Sơn phát triển từ năm 2012 đến nay, xã đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị khuyến nông và các đơn vị nghiên cứu khoa học trong tỉnh Kiên Giang chuyển giao nguồn giống chất lượng, giải pháp kỹ thuật mới cho người nuôi. Đồng thời liên hệ với các doanh nghiệp trong tỉnh Kiên Giang liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm các mú, cá bớp cho ngư dân. Tính ra với giá thị trường năm 2023 từ 220.000 đồng đến 250.000 đồng mỗi ký cá bớp và cá mú, ngư dân nuôi hơn một năm sau thu hồi lại vốn đầu tư khoảng 250 - 300 triệu mỗi lồng. Nuôi từ năm thứ hai trở đi, ngư dân thu lãi ròng khá cao…”.
Sản lượng đánh bắt thủy sản tiếp tục tăng trong năm 2023 trên xã đảo An Sơn.
Năm 2024, xã đảo An Sơn thuộc quần đảo Nam Du sẽ hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, gắn với ”xây dựng khu vực phòng thủ xã vững chắc, duy trì nghiêm công tác trực sẵn sàng chiến đấu trong các ngày lễ, tết; thường xuyên tổ chức giao ban giữa các lực lượng; quan tâm công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng theo quy định; thực hiện tốt công tác diễn tập chiến đấu phòng thủ…”. Chia tay quần đảo Nam Du, phóng viên ghi nhận cảm xúc của Hạ sĩ Vũ Đại Tài, trắc thủ Trạm Ra đa 600 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân: “Lần đầu tiên vui xuân đón tết tại đơn vị, tôi cảm nhận như đang ở nhà. Có đầy đủ bánh chưng, bánh tét, bánh mứt và các món ăn truyền thống của ngày tết. An tâm tư tưởng, tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương biển đảo của Tổ quốc…”.
Văn Việt