Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya là căn cứ đầu não gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả vùng Tây Nguyên nói chung, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách và khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Tại đây đã diễn ra 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (Đại hội I, 8/1960; Đại hội II, 8/1963; Đại hội VI, 9/1973) để họp bàn, đề ra những chính sách và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975, mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 (ngày 12/8/1991) về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay các điểm di tích của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya đều thuộc địa phận hành chính các xã Uar và xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Đoàn khảo sát do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chụp ảnh tại địa điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI, 9/1973.
Với tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn đó đối với thắng lợi của cả vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4242/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023 về việc xếp hạng Di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya thuộc xã Chư Drăng và xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Việc xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk và Gia Lai trong việc phát huy giá trị lịch sử cách mạng của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.
Mai Sao