Với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường và giới thiệu những giá trị tốt đẹp về thiên nhiên, cảnh sắc văn hóa, con người trên địa bàn đến du khách, nhóm học sinh Trường THCS-THPT Đạ Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã “biến” những quả thông khô thành tranh nghệ thuật 3D, giỏ xách, lọ hoa thân thiện với môi trường…
Nhóm thực hiện dự án và cô giáo hướng dẫn với các sản phẩm từ quả thông khô
Tại homestay Đạ Blah (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) có một không gian nhỏ trưng bày các sản phẩm từ quả thông khô mang tên “DaBlah Handmade Stori - Tranh 3D từ quả thông”. Đó là cửa hàng của nhóm học sinh Trường THCS-THPT Đạ Nhim khi thực hiện Dự án “Sử dụng quả thông khô làm tranh 3D bảo vệ môi trường và sản phẩm handmade giỏ, lọ hoa kết hợp với mở Workshop cho khách trải nghiệm”. Dự án đã đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI (SV-STARTUP-2023) do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Nói về ý tưởng thực hiện dự án, trưởng nhóm Nguyễn Thị Phương Nhi - lớp 11A cho hay: “Tại xã Đạ Nhim có nhiều quả thông khô từ những rừng thông trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Chúng em muốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và quảng bá những nét đặc trưng về thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa địa phương thông qua hình ảnh bức tranh nghệ thuật 3D về văn hóa của người K’Ho và các sản phẩm từ quả thông khô”.
Những quả thông khô sau khi được nhặt về, nhóm của Phương Nhi chọn lọc, làm sạch, dùng sơn acrylic tô lên thành nhiều màu, sau đó sáng tạo những bức tranh 3D ý nghĩa hay những giỏ xách, lọ hoa mang màu sắc riêng. Những bức tranh vẽ từ quả thông theo dạng nổi 3D đem lại cảm giác sống động, chân thực cho người nhìn. Sản phẩm giỏ, lọ hoa được làm từ quả thông với chất liệu từ thiên nhiên nên an toàn và thân thiện với môi trường.
Từ những sản phẩm này, nhóm học sinh Trường THCS-THPT Đạ Nhim kết hợp các hình thức tuyên truyền về ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, quảng bá những nét văn hóa của địa phương thông qua các buổi workshop trực tiếp và gián tiếp trên trang facebook của nhóm để khách hàng trải nghiệm làm các sản phẩm tranh 3D, giỏ xách, lọ hoa từ quả thông khô. Bên cạnh đó, việc thu gom nguồn nguyên liệu quả thông khô từ người dân trên địa bàn nhặt về, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân.
Cô Trần Thị Giang - Trường THCS-THPT Đạ Nhim là giáo viên hướng dẫn nhóm của Phương Nhi thực hiện dự án chia sẻ: “Đây là dự án nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng, giới thiệu những giá trị tốt đẹp về thiên nhiên, cảnh sắc văn hoá và con người trên địa bàn đến du khách trong và ngoài nước. Bởi khi đến du lịch ở Lâm Đồng nói chung và xã Đạ Nhim nói riêng, du khách sẽ thường đến những điểm du lịch như: Vườn thú Zoo do; Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Khu du lịch Đà Lạt Tiên cảnh, Ma rừng lữ quán 2…, và các sản phẩm được tạo ra từ quả thông khô rất thích hợp để du khách mua về làm quà kỷ niệm hoặc tặng cho người thân. Thông qua đó giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường bắt đầu từ những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên”.
Hiện sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng “DaBlah Handmade Stori - Tranh 3D từ quả thông” tại homestay Đạ Blah, xã Đạ Nhim và một số homestay, quán cà phê, khu du lịch trên địa bàn. Đồng thời, bán hàng trực tuyến trên facebook của nhóm, trên zalo, tiktok… Tuy nhiên, nhóm của Phương Nhi vẫn dành thời gian cho việc học tập là chính. Với các em, đây là trải nghiệm để vận dụng kiến thức đã học vào trong đời sống tạo ra các sản phẩm sáng tạo, hữu dụng, có tính thẩm mỹ, mang tính nghệ thuật. Đặc biệt, các em đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, bởi ngoài việc trang bị thêm kiến thức về môn học, về những kỹ năng cần thiết thì còn được bồi đắp thêm tình yêu môi trường và sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với thiên nhiên.
Tuấn Hương