Kiên Giang chú trọng phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật: 23/02/2024
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên gắn với văn hóa bản địa. Hiện nay, loại hình du lịch này đang thu hút sự chú ý của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nắm bắt được tình hình chung và xu hướng của ngành du lịch, Ban Quản lý Vườn Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan trải nghiệm. Du lịch sinh thái (DLST) Vườn quốc gia U Minh Thượng hiện có các sản phẩm như: Tham quan cảnh quan thiên nhiên rừng tràm trên đất than bùn, hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước kết hợp quan sát động vật hoang dã; tham quan sân chim, máng dơi; quan sát động vật hoang dã về đêm. DLST kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử và tham quan cộng đồng dân cư địa phương. DLST trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, giáo dục, vui chơi, giải trí; DLST cộng đồng homestay…

Quản lý, bảo vệ, khôi phục tài nguyên rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên diện tích phát triển DLST hơn 8.000ha, diện tích cho thuê môi trường rừng đến năm 2030 khoảng 195ha. Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang xây dựng 9 tuyến tham quan DLST trên lâm phần Vườn quốc gia U Minh Thượng. Đồng thời, xây dựng văn phòng, nhà làm việc, cơ sở hạ tầng, nhà nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khu công năng phục vụ dịch vụ DLST; đầu tư hệ thống đường đi bộ qua các hệ sinh thái rừng đặc sắc, kết nối các điểm cảnh quan tự nhiên và các hệ sinh thái rừng đặc trưng; hạ tầng phục vụ DLST cộng đồng homestay.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng hiện được xem là mô hình du lịch sinh thái điển hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời cũng từng là khu vực căn cứ cách mạng ổn định trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng được thành lập từ năm 2002 với chức năng bảo tồn mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ di tích lịch sử của các cuộc kháng chiến cứu nước; đồng thời, phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, giải trí và nghỉ dưỡng… Qua đó, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái, gia tăng độ che phủ rừng; đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kể từ khi thành lập, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm hấp dẫn làm cơ sở đưa Vườn Quốc gia U Minh Thượng là một trong những Vườn Quốc gia tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trên địa bàn hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc (thuộc huyện U Minh Thượng), có tổng diện tích tự nhiên hơn 8.500ha; trong đó, rừng đặc dụng trên 8.000ha, còn lại là rừng phòng hộ. Đây là một trong hai khu vực quan trọng của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN và khu bảo tồn đất ngập nước (khu Ramsar) đặc biệt quan trọng của Việt Nam và thế giới.

Hiện nay, Vườn có 72 loài động, thực vật quý, hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Đỏ IUCN 2012. Hệ động vật nơi đây cũng rất phong phú với 32 loài thuộc 10 họ, 7 chi; 54 loài bò sát lưỡng cư (trong đó có 8 loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam như trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chuột, tắc kè...); 34 loài cá (trong đó có hai loài là cá trê trắng và cá thác lác được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam; các loài tiêu biểu khác như cá lóc, cá lóc khổng lồ, cá rô, cá thòi lòi…).

U Minh Thượng cũng từng là một khu vực căn cứ cách mạng ổn định trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở khu vực Tây Nam, Đảng ủy miền Nam, Văn phòng Trung ương Tây Nam, Ủy ban Hành chính và Kháng chiến miền Nam, lực lượng chính của Quân khu 9, căn cứ của tỉnh Kiên Giang với 31 di tích lịch sử và văn hóa, trở thành một Khu Di tích Lịch sử đặc biệt của tỉnh Kiên Giang.

Những năm gần đây, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được du khách biết đến là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở miền Tây Nam Bộ và ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến.

Từ khi thành lập đến nay, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã đạt được kết quả tốt về bảo vệ rừng, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn cũng như các giá trị văn hóa lịch sử hiện hữu. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia U Minh Thượng còn thực hiện tốt các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển, ổn định đời sống người dân trong vùng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nay, lượng du khách đến tham quan ngày càng thưa dần. Năm 2023, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đón khoảng 30.000 lượt khách (đạt 63% kế hoạch năm), doanh thu đạt 3 tỉ đồng. Ngoài ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, một nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch nơi đây, đó là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa có nguồn vốn đầu tư vào du lịch sinh thái, một số dịch vụ vui chơi giải trí chưa phát triển, nguồn tài nguyên cá đồng ngày một suy giảm (dành cho khách đến trải nghiệm câu cá). Doanh thu từ du lịch còn ít nên việc tái đầu tư chưa tương xứng tiềm năng sẵn có. Bên cạnh đó, tại khu cứu hộ động vật hoang dã (nơi để du khách đến tham quan, tìm hiểu), một số chuồng nuôi chưa phù hợp với một số loài dẫn đến công tác cứu hộ chưa cao; trang thiết bị và dụng cụ phục vụ cho công tác điều trị và tiếp nhận còn hạn chế...

Nắm bắt được tình hình chung và xu hướng của ngành du lịch, Ban Quản lý Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã triển khai nhiều giải pháp hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là tu sửa, cải tạo hạ tầng để phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đang tập trung quản lý bảo vệ, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái; trong đó, tập trung tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng; khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng, thủy sản trái phép. Theo Ban Quản lý  Vườn Quốc gia U Minh Thượng, để “vực dậy” khu du lịch sinh thái của Vườn, trước hết, cần đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống chuồng trại, khu điều trị và chăm sóc động vật để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng động vật hoang dã. Các cấp chính quyền cũng cần quan tâm đầu tư về hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách gắn với khai thác du lịch bền vừng, an toàn, thân thiện môi trường; có chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phù hợp…

Vườn Quốc gia U Minh Thượng là một trong những điểm đến của du khách ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố miền Trung, miền Bắc với lượng du khách đến tham quan ở thời điểm bình thường trước năm 2021, bình quân gần 50.000 lượt/năm. Thời gian tới, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tiếp tục khai thác các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, văn hóa, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái. Vườn Quốc gia U Minh Thượng sẽ phát triển thêm các loại hình và sản phẩm phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học, làm phong phú thêm các hoạt động du lịch của địa phương (câu cá giải trí, ngắm cảnh quan, trải nghiệm sông nước, tham quan khu cứu hộ động thực vật...). Đồng thời, sẽ quy hoạch và đầu tư bài bản về hạ tầng du lịch (bãi đậu xe ngoài bìa rừng, sử dụng phương tiện không gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong rừng…); triển khai dịch vụ câu cá giải trí có kiểm soát để khai thác bền vững các loài thủy sản và các loài động vật khác.

Khánh Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 22/02/2024