Trước sự gia tăng nguồn thải, tỉnh Bình Thuận đã xác định cụ thể phân vùng môi trường trong quy hoạch tỉnh và các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng trên địa bàn.
Theo Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ quy định phân 3 vùng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng hạn chế phát thải và vùng khác. Việc phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác được thực hiện theo tiêu chí về yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh đến định hướng bảo vệ môi trường theo phân vùng. Theo đó, địa phương này sẽ triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo vệ và giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng; đồng thời, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường. Bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là những khu vực được xác định theo cơ sở pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường, các luật có liên quan (các khu vực cần thực hiện các biện pháp quản lý nghiêm ngặt), theo cơ sở khoa học (các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường cao), theo cơ sở thực tiễn (các khu vực được tỉnh Bình Thuận ưu tiên, trọng tâm bảo vệ sự nguyên vẹn của hệ sinh thái (đối với các khu bảo tồn thiên nhiên) hoặc ưu tiên bảo vệ môi trường để đảm bảo quyền lợi sinh sống và phát triển của người dân (như khu đô thị, khu cấp nước, khu vực an ninh lương thực…) bao gồm:
Khu vực nội thành, nội thị của các đô thị loại III trở lên theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị, bao gồm: thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi. Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bao gồm 41 hồ nước ngọt cấp nước sinh hoạt cho địa phương. Khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bao gồm 24 di tích cấp Quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh.
Vùng lõi của di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Ta Kóu (10.304,63 ha); Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (23.856,81 ha); Khu bảo tồn biển Hòn Cau (12.500 ha). Tại vùng này tập trung bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ các khu di tích lịch sử văn hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đảm bảo mục đích cấp nước an toàn cho sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống trong lành, sạch đẹp, bảo vệ sức khỏe cho người dân đô thị.
Khoảng 41 hồ cấp nước ngọt sinh hoạt cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được xác định là một trong những khu vực bảo tồn nghiêm ngặt.
Vùng hạn chế phát thải trên địa bàn tỉnh được xác định là những khu vực được xác định theo cơ sở pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường, các luật có liên quan (các khu vực cần thực hiện các biện pháp hạn chế phát thải), theo cơ sở khoa học (các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường trung bình), theo cơ sở thực tiễn (các khu vực được tỉnh Bình Thuận hạn chế đầu tư, cần phải cải tạo, phục hồi môi trường), bao gồm:
Nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị: Nội thành, nội thị của các đô thị loại IV theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị: huyện Tuy Phong: Thị trấn Liên Hương, Thị trấn Phan Rí Cửa; huyện Đức Linh: Thị trấn Võ Xu. Nội thành, nội thị của các đô thị loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị: huyện Tuy Phong: Đô thị Vĩnh Tân; huyện Bắc Bình; huyện Bắc Bình: Thị trấn Chợ Lầu, Thị trấn Lương Sơn; Huyện Hàm Thuận Bắc: Thị trấn Ma Lâm, thị trấn Phú Long; Huyện Hàm Thuận Nam: Thị trấn Thuận Nam; Huyện Hàm Tân: Thị trấn Tân Nghĩa, Thị trấn Tân Minh, thị trấn Sơn Mỹ; Huyện Tánh Linh: Thị trấn Lạc Tánh.
Vùng ngập nước quan trọng: Hiện nay chưa có vùng đất ngập nước quan trọng nào tại địa phương được xác lập. Trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đề xuất điều tra, khảo sát đưa vào Quy hoạch vùng đất ngập nước quan trọng thuộc vùng hạn chế phát thải bao gồm: Khu vực rừng ngập mặn thuộc ranh giới giữa 3 phường Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài, thành phố Phan Thiết với diện tích 32 ha, các khu vực rừng ngập mặn tại La Gi, Hàm Tân, Bắc Bình; Bàu Trắng. Khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng: Di tích khảo cổ học Động Bà Hòe, Di tích khảo cổ học Động cát, Thắng cảnh Bàu Trắng, Di tích lịch sử Cát Bay xã Bình Thạnh, Thắng cảnh bãi đá Cà Dược, Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Ông Nam Hải, Thắng cảnh Suối Tiên, Thắng cảnh Đồi Cát Bay phường Mũi Né.
Khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường khác, dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường: Đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên tại các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình; Khu vực thuộc hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận. Hành lang bảo vệ nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tương tự như vùng đất ngập nước quan trọng, hiện nay tỉnh Bình Thuận chưa thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước được dung cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
Vùng đệm của các vùng của các khu bảo tồn thiên nhiên; Khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường khác, dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường. Vùng hạn chế phát thải được quản lý theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan và các yêu cầu đề xuất. Tại vùng này giảm thiểu tối đa tác động bất lợi tới khu bảo tồn thiên nhiên, hạn chế suy thoái đa dạng sinh học; giảm tác động xấu tới các khu di tích lịch sử văn hóa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải (nước thải, rác thải) phát sinh từ các hộ gia đình tới khu dân cư đô thị tập trung, điểm dân cư nông thôn tập trung đổ vào nguồn nước đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các mục đích cấp nước khác nhau, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tác hại tới sức khỏe cho người dân đô thị.
Dự án đầu tư mới, mở rộng, nâng công suất trong vùng hạn chế phát thải phải thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường theo hướng nghiêm ngặt (Ảnh minh họa).
Theo quy định hiện hành hạn chế cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án phát triển trong các phân khu hành chính dịch vụ, khu vực bảo vệ 2 của khu di tích lịch sử văn hóa; vùng đệm của các khu di sản thiên nhiên. Tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động theo Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan đối với các dự án đầu tư vào phân khu hành chính dịch vụ, khu vực bảo vệ 2 của khu di tích lịch sử văn hóa; vùng đệm của các khu di sản thiên nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích khác nhau.
Tăng tỷ lệ rác thải, nước thải tại các khu dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý đạt các quy chuẩn hiện hành. Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ theo hướng nghiêm ngặt đối với vùng hạn chế phát thải bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật theo phân vùng hạn chế phát thải.
Dự án đầu tư mới, mở rộng, nâng công suất trong vùng hạn chế phát thải phải thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường theo hướng nghiêm ngặt. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện giao thông không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định phải thực hiện chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường, trường hợp không thể đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường thì phải dừng hoạt động hoặc di dời, chuyển ra khỏi vùng hạn chế.
Vùng môi trường khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là những khu vực được xác định theo cơ sở pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường 2020, các luật có liên quan (các khu vực lân cận vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải), theo cơ sở khoa học (các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường thấp), theo cơ sở thực tiễn (các khu vực được tỉnh Bình Thuận quy hoạch đầu tư phát triển kinh tế xã hội).
Dựa vào các tiêu chí phân vùng, vùng môi trường khác bao gồm: Khu vực phát triển kinh tế xã hội đa ngành, đa thành phần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và khu vực quản lý, bảo vệ môi trường phục vụ chính hoạt động phát triển bền vững, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường. Khu vực áp dụng sản xuất sạch trong các hoạt động sản xuất, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực ngăn ngừa ô nhiễm do hoạt động các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, bảo vệ chất lượng nước mặt và chất lượng không khí khu đô thị, khu dân cư.
Mục tiêu phát triển vùng khác là giảm thiểu phát thải ra môi trường khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động công nghiệp bao gồm các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các cơ sở khai thác than, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các hoạt động khác góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tác hại tới sức khỏe cho người dân và các hệ sinh thái.
Vùng khác được quản lý theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các luật liên quan và các yêu cầu đề xuất, như sau: Dự án đầu tư mới, mở rộng, nâng công suất trong vùng khác phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, giám sát môi trường định kỳ hoặc liên tục cố định theo quy định pháp luật; lập hồ sơ thẩm định công nghệ theo Luật thẩm định công nghệ…Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản và hoạt động khác theo Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan đối với các dự án đầu tư tại vùng khác.
Trong quá trình vận hành các cơ sở đầu tư tại vùng khác phải đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải đạt các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, không gây tác động xấu đến môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe nhân dân. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải thực hiện chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, trường hợp không thể đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường thì phải dừng hoạt động hoặc di dời, chuyển đổi vị trí tại vùng khác.
Minh Hoàng