Là "cái nôi" của cách mạng, nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của thế hệ cha anh, sự phát triển mạnh và đa dạng các vườn cây trái cùng hệ thống giao thông hoàn thiện, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An được xem là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với tìm về “địa chỉ đỏ”.
Huyện Tân Thạnh có Quốc lộ 62, N2 ngang qua là các trục giao thông quan trọng trong kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển
Thực hiện chủ trương của huyện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, mang lại hiệu quả tích cực. Trong những năm gần đây, nông dân huyện Tân Thạnh mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái.
Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện hơn 2.007ha, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.
Bên cạnh đó, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Tân Thạnh là "cái nôi" của cách mạng, ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Huyện Tân Thạnh được các cấp, các ngành đầu tư kinh phí xây dựng và phục dựng nhiều khu di tích lịch sử (DTLS) như DTLS Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, DTLS Cánh đồng 41,...
Trong đó, nổi bật là DTLS Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, nơi đặt trụ sở của cơ quan lãnh đạo các cấp cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Trà,... từng sống và làm việc, đã lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn. Nơi đây còn gắn liền với những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307, 309, Trung đoàn 120, 105 anh hùng.
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam bộ được xây dựng với tổng kinh phí gần 130 tỉ đồng, tọa lạc ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Khu di tích có 25 hạng mục công trình, trong đó nổi bật là gian nhà trưng bày các chuyên đề khác nhau khái quát về vùng Đồng Tháp Mười,... Khu di tích là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình Về nguồn của người dân trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Tân Thạnh là cửa ngõ của các huyện vùng Đồng Tháp Mười, có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 62, N2,... Với lợi thế này, huyện hướng đến liên kết vùng để tạo ra các tour du lịch hấp dẫn như Khu DTLS Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam bộ - chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng) - núi Sam (tỉnh An Giang).
Nhờ mạnh dạn chuyển từ trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng cây ăn trái góp phần tăng thu nhập, mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn
Ven tuyến Quốc lộ 62, N2, đoạn qua địa bàn huyện Tân Thạnh có thể phát triển các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng,... Việc phát triển nông nghiệp xanh, sạch gắn với du lịch trong thời gian qua cũng được huyện quan tâm, thực hiện.
Với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận, hiếu khách, khát vọng vươn lên của người dân, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái xanh gắn với tìm về “địa chỉ đỏ” hứa hẹn sẽ đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với huyện Tân Thạnh./.
Ngọc Diệu - Chí Tâm