Việc phát triển hạ tầng du lịch ven bờ, trên đảo làm gia tăng lắng đọng trầm tích, suy thoái môi trường biển ở vịnh Nha Trang đòi hỏi phải có giải pháp phát triển bền vững gắn bảo vệ môi trường.
Nhân viên Ban Quản lý vịnh Nha Trang cùng các tình nguyện viên dọn rác tại khu vực bờ kè biển Vĩnh Trường, sát bến tàu du lịch Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924-2024).
Thời điểm khởi đầu đó, vùng đất Nha Trang còn khá hoang sơ, dân cư thưa thớt thuộc huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1924, vua Khải Định ra Đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang trực thuộc tỉnh Khánh Hòa - vùng đất thuộc hạ nguồn sông Cái, tiếp giáp với Biển Đông và từ đây, địa danh Nha Trang chính thức được hình thành.
Lúc mới thành lập, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh và Phương Sài.
Trải qua 100 năm thăng trầm, Nha Trang giờ đây là một thành phố nằm bên vịnh biển, có 15 năm là đô thị loại 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh.
Nha Trang - thành phố bên vịnh biển
Ông Hồ Văn Mừng - Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết Giai đoạn 15 năm là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2019-2024), kinh tế - xã hội thành phố có sự phát triển vượt bậc.
Mức thu nhập bình quân đầu người từ 2.508 USD (năm 2009) đến nay đạt gần 5.000 USD. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có mức tăng trưởng cao nhất với tổng doanh thu du lịch và dịch vụ tăng hơn 54 lần so với năm 2009.
Năm 2016, Nha Trang đón 4,2 triệu lượt du khách đến lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng, đến cuối năm 2019 đã đạt mức 6,5 triệu lượt du khách. Sau COVID-19, ngành Du lịch Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng đang trên đà phục hồi nhanh chóng.
Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã đón hơn 7 triệu lượt khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng; trong đó thành phố Nha Trang đón khoảng 70% lượng du khách.
Du lịch Nha Trang phát triển nhanh là nhờ những giá trị của vịnh Nha Trang mang lại. Nền kinh tế Nha Trang dựa vào du lịch biển, đảo để trở thành mũi nhọn. Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, gồm 19 hòn đảo lớn, nhỏ, tạo nên cảnh quan vừa kỳ vĩ, vừa thơ mộng.
Dưới góc nhìn của các nhà địa lý xưa, Nha Trang được coi là vùng đất lạ, quý hiếm, bởi có “Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”, nghĩa là bốn mặt có nước bao bọc, có bốn quả núi mang hình bốn con thú hội tụ, che chở cho vùng đất. Chính sự đa dạng về địa hình giữa đồng bằng, đồi núi và vịnh biển, các đảo đã tạo cho Nha Trang những danh lam, thắng cảnh tuyệt đẹp.
Nha Trang nằm trong Top 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Nơi đây cũng lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa độc đáo, quan hệ mật thiết với giá trị biển, đảo. Trải qua quá trình sinh tồn, các cộng đồng dân tộc ở Nha Trang đã sáng tạo nên hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú về số lượng và loại hình. Hiện trên địa bàn thành phố có 4 Di tích được xếp hạng quốc gia, 35 Di tích xếp hạng cấp tỉnh; 2 Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Tháp Bà Ponagar và Lễ hội Cầu ngư.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho biết: Vịnh Nha Trang là “điểm nhấn” của vùng biển, đảo Nha Trang, nơi hội tụ nhiều giá trị biển, đảo đặc biệt. Vào những năm 95 của thế kỷ trước, khu biển Hòn Mun trong vịnh đã được chọn làm địa điểm cuộc thi quốc tế “Chụp ảnh dưới đáy biển.”
Khu Bảo tồn biển Hòn Mun đầu tiên của Việt Nam cũng được thành lập vào năm 2001, đến năm 2004 được đổi tên thành Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, với diện tích hơn 160km2.
Năm 2003, vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới. Năm 2005, vịnh Nha Trang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hồi, khám phá Nha Trang không thể không khám phá sự đa dạng, độc đáo của biển, đảo. Đặc biệt, trong hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển, không thể chia cắt mối liên kết chặt chẽ giữa hai mảng không gian: đô thị Nha Trang và biển, đảo Nha Trang.
Cho nên cần tiếp tục đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển; phát huy các giá trị biển, đảo mà thiên nhiên ưu đãi để xây dựng không chỉ một “Nha Trang đất liền,” mà còn một “Nha Trang biển, đảo” bền vững.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã tạo dựng thương hiệu Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa với bề dày 20 năm, qua 10 lần tổ chức kể từ năm 2003, định kỳ 2 năm/lần.
Gần đây, tỉnh còn tổ chức thêm Liên hoan Du lịch biển tại Nha Trang vào những năm không có Festival Biển, cùng rất nhiều sự kiện văn hóa, du lịch thường niên như Lễ hội truyền thống Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Yến sào… Các lễ hội này luôn thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm.
Phát triển gắn với bảo tồn bền vững
Mặc dù du lịch biển, đảo ở Nha Trang đạt nhiều thành tựu, nhất là về phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, các loại hình khám phá, giải trí trên biển và trong lòng biển, tuy nhiên phát triển hạ tầng du lịch ven bờ và trên đảo đang làm gia tăng lắng đọng trầm tích, làm suy thoái môi trường biển.
Cùng với một số hoạt động thiếu kiểm soát, chính du lịch đã “góp phần” hủy hoại cảnh quan các sinh cư trên cạn và dưới nước. Ngay ở Hòn Mun - nơi được quản lý là vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, tình trạng suy thoái cũng đã xảy ra, bắt đầu từ 2016.
Do vậy, việc phát triển bền vững du lịch biển gắn với việc bảo vệ môi trường vịnh biển Nha Trang là vấn đề cần được quan tâm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học thông tin: Chính sự đa dạng của san hô và các sinh vật rạn khác ở Vịnh Nha Trang đã tạo nên cảnh quan kỳ thú dưới nước, đây cũng là tài nguyên đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho Nha Trang - Khánh Hòa. Rạn san hô cũng đóng vai trò quan trọng cho sự giàu có nguồn lợi thủy sản và tạo môi trường sinh sản phát triển của thủy sinh vật.
Nêu những giải pháp cho công tác bảo tồn thiên nhiên vịnh Nha Trang gắn liền với sự phát triển bền vững du lịch, ông Võ Sĩ Tuấn chia sẻ trước hết, cần xác định rõ là bảo tồn và phát triển đều cùng mục tiêu hướng đến sự bền vững.
Việc khai thác tài nguyên nhằm bảo đảm sinh kế lâu bền của cộng đồng và lợi ích lâu dài của doanh nghiệp. Cần nhận thức rằng tài nguyên thiên nhiên không là vô hạn, vì vậy song song với khai thác, việc giữ gìn cho khai thác sử dụng lâu dài là tất yếu.
Theo ông Võ Sĩ Tuấn, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ đất liền đối với vịnh Nha Trang và phát triển mạnh mẽ du lịch cao cấp của thành phố, cần đề nghị UNESCO công nhận phức hợp Hòn Bà - sông Cái - vịnh Nha Trang là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, là hướng đi phù hợp thời đại của thành phố Nha Trang.
Dẫn chứng về việc trước năm 1975, diện tích rừng ngập mặn ở thành phố Nha Trang có khoảng 260ha, nhưng đến những năm 90 của thế kỷ trước, rừng ngập mặn bị xâm hại nghiêm trọng do bùng phát phong trào nuôi tôm, đến mức gần như bị xóa sổ.
Du khách xuống canô ra các đảo ở vịnh Nha Trang. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Những năm gần đây, rừng tự tái sinh và được trồng lại khoảng 18ha; theo ông Trần Giỏi - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa như vậy là quá ít.
Ông Trần Giỏi phân tích hệ sinh thái biển ở Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, một phần rạn san hô đã bị tàn phá bởi tác động của môi trường và do hoạt động đánh bắt gây nguy hiểm.
Mặc dù đang được trồng lại và bảo vệ nhưng cần theo dõi quá trình phục hồi rạn san hô; ngoài ra, nguy cơ về suy thoái thảm cỏ biển và rừng ngập mặn cũng đáng báo động. Vấn đề bảo vệ và tái tạo rừng ngập mặn cần đặc biệt quan tâm, nhằm phát huy vai trò phòng hộ và phục hồi cảnh quan.
Các hệ sinh thái biển đều góp phần tạo nên giá trị đa dạng sinh học, mang lại giá trị kinh tế và triển vọng phát triển du lịch Nha Trang bền vững.
Ông Trần Giỏi đề xuất cần triển khai công tác điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, đánh giá hiện trạng từng hệ sinh thái rừng và biển; rà soát quy hoạch 3 loại rừng, tăng cường diện tích và chức năng rừng phòng hộ (bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái kết hợp giáo dục môi trường); ưu tiên bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng, đặc biệt là đối với rừng ngập mặn ở đầm Bấy và hạ lưu sông Quán Trường.
Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 “Về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;” trong đó, xác định mục tiêu tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân, một trong ba vùng kinh tế - xã hội trọng điểm phát triển đột phá của tỉnh.
Ngày 31/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 259/QĐ-TTg, phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, trong đó nêu rõ mục tiêu là phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế.
Thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật đặc hữu là chuỗi không gian ven biển, không gian đảo và không gian sinh thái; tiến tới nâng cao vị thế thương hiệu quốc tế thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh để khai thác, sử dụng, triển khai hợp lý, tối ưu, hài hòa, bền vững tiềm năng, lợi thế trong quá trình phát triển, thành phố Nha Trang cần chuẩn bị và thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp, vừa bảo đảm tính khoa học vừa đảm bảo giá trị thực tiễn, bảo tồn.
Thành phố cần quan tâm vấn đề biển, đảo trên nhiều phương diện để có thêm những giải pháp hiệu quả trong giữ gìn, phát huy, phát triển các giá trị, tiềm năng biển, đảo./.
Tiên Minh