Ngành Du lịch toàn cầu đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Phát triển du lịch gắn với thích ứng BĐKH là bài toán khó, thế nhưng tại Cần Thơ hoạt động này đang được nhiều doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn quan tâm.
Lan tỏa ý thức phát triển bền vững
ĐBSCL là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên, đang phải đối diện với nhiều vấn đề do BĐKH. Thực trạng nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên nước trên dòng Mekong, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Việc khai thác cát tại sông, kênh, rạch đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng, các công trình dân sinh... làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Từ đó, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm nhập mặn ngày càng nhanh và sâu. Nhận định rõ những rủi ro này, nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ đã lựa chọn những giải pháp phát triển du lịch bền vững, tuần hoàn, giảm thiểu khí thải.
Đoàn sinh viên quốc tế cùng Mekong Silt Ecologdge tham quan tìm hiểu về môi trường, kênh rạch ở Cần Thơ. Ảnh: Mekong Silt Ecologdge
Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecologdge (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), cho biết: “BĐKH đang diễn ra ngày càng nhanh, mỗi chúng ta cần phải hành động và thay đổi, bắt đầu từ những việc nhỏ. Chúng tôi đóng góp bằng cách làm du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn thuận tự nhiên”. Tại Mekong Silt Ecolodge, rác được phân loại. Rác hữu cơ được xử lý, tái chế thành xà bông, nước rửa chén, nước lau sàn, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, hương liệu, tinh dầu... Rác vô cơ được tái chế thành vật dụng trang trí trong khuôn viên của khu nghỉ dưỡng. Trên tinh thần đó, Mekong Silt Ecolodge đã xây dựng những workshop, “tour rác” để du khách tham gia xử lý, tái chế rác; vừa tạo những sản phẩm hữu ích vừa lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường.
Tận dụng tài nguyên bản địa để xây dựng các mô hình du lịch tuần hoàn được xem là một trong những giải pháp phát triển du lịch bền vững mà nhiều đơn vị làm du lịch tại Cần Thơ đang triển khai thực hiện hiệu quả. Một trong những điển hình là cách làm du lịch của ông Martin Stiermann, chủ Mekong Delta Ricefied Lodge, xã Trường Long, huyện Phong Điền. Ông cho biết: “Tôi đã có 9 năm tại Việt Nam và dành phần lớn thời gian để giới thiệu những nét văn hóa bản địa tại nơi mà tôi sống và làm du lịch thuần nông tự nhiên ở Trường Long”. Theo ông Martin Stiermann ngày càng có nhiều người tìm kiếm sự đơn giản, bình dị thuận tự nhiên và ĐBSCL là nơi hoàn hảo với các điều kiện thiên nhiên vốn có. Tại trang trại Mekong Delta Ricefied Lodge của ông Martin Stiermann có khu vườn phát triển tự nhiên với nhiều loại trái cây, trong đó nhiều nhất là chuối đỏ và bụp giấm - những nông sản tốt cho sức khỏe. Du khách khi đến đây sẽ được trải nghiệm làm vườn, tìm hiểu văn hóa bản địa theo cách thuần tự nhiên.
Trong khi đó, bà Võ Xuân Thư, Tổng Giám đốc Victoria Cần Thơ, cho biết: “Nhiều năm qua, các dịch vụ và trải nghiệm tại hệ thống khách sạn Victoria luôn hướng đến sự an toàn, sức khỏe và những giá trị sống xanh, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng bản địa”. Theo đó, các vật dụng tại đây đều sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng…. Tùy theo thời điểm và các mùa phù hợp trong năm, Victoria Cần Thơ có nhiều workshop ý nghĩa, như: Wellness Weekend Yoga “Sống vui - Sống khỏe”, trồng thêm cây xanh, Cooking Class… để du khách có thể trải nghiệm rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường. Victoria Cần Thơ cũng là đơn vị lưu trú duy nhất tại Cần Thơ đạt Chứng nhận Vàng về du lịch bền vững của Travelife (chương trình chứng nhận bền vững quốc tế trong lĩnh vực du lịch được quản lý bởi ABTA - Hiệp hội các Đại lý du lịch Anh và ANVR - Hiệp hội các Đại lý du lịch của Hà Lan).
Thực tế, phát triển du lịch thích ứng với BĐKH ở Cần Thơ và các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn còn là thách thức và mới mẻ, bởi nhiều nơi chưa biết cách xây dựng mô hình, chưa có những định hướng quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, đã có những bước đi tiên phong, mở ra nhiều cánh cửa cho du lịch thuận tự nhiên.
Phát triển du lịch thuận tự nhiên
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có xác định, tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp... Đề cập đến các giải pháp, đối với lĩnh vực du lịch, Nghị quyết nêu rõ: phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người với hiệu quả kinh tế cao; phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên. Theo đó các tỉnh, thành trong vùng đã xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch địa phương, bám sát tinh thần nghị quyết.
Mô hình nuôi cá, tôm ôm cây lúa thuận thiên kết hợp làm du lịch tại cồn Chim, Trà Vinh. Ảnh: Kiều Mai
PGS.TS Đào Ngọc Cảnh, Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng vùng ĐBSCL là châu thổ rộng lớn và trù phú hàng đầu Đông Nam Á, là lợi thế để du lịch ĐBSCL vươn lên xây dựng thương hiệu du lịch chung với hình ảnh châu thổ xanh tươi, trù phú với những giá trị nổi bật về thiên nhiên, văn hóa và con người. Trong đó, cần phát huy lợi thế của Cần Thơ trong vai trò liên kết với vùng ĐBSCL; chú trọng khai thác các thế mạnh nổi bật của ĐBSCL như: chợ nổi, cảnh quan sông nước, miệt vườn, hệ sinh thái ngập nước, rừng ngập mặn, du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với các di sản văn hóa bản địa… Thực tế, mô hình du lịch khám phá thiên nhiên vùng biến đổi khí hậu (cho khách đi và thỏa sức khám phá những vùng đất, loài cây, sinh vật… đặc trưng của vùng, giúp họ tiếp cận người dân, vùng đất để tìm hiểu cuộc sống vùng biến đổi khí hậu, truyền tải thông điệp kêu gọi mọi người ra sức bảo vệ thiên nhiên, làm giảm tải các tác động biến đổi khí hậu) được nhiều chuyên gia đề xuất và khuyến nghị cho tiềm năng phát triển của du lịch ĐBSCL. Mô hình này được áp dụng thực tế trong du lịch nông nghiệp, cộng đồng ở nhiều địa phương như: cồn Chim, cồn Hô (Trà Vinh), huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cồn Sơn (Cần Thơ), huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)… Trong đó, người dân duy trì làm lúa thuận thiên, hay trồng rừng, làm vườn, nuôi thủy hải sản kết hợp làm du lịch. Thời gian qua, các mô hình này đều có sức hút với nhiều du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên các hoạt động du lịch này chủ yếu là tự thân vận động. Các địa phương vẫn rất cần có những quy hoạch cụ thể, chuyên biệt về phát triển du lịch gắn với thích ứng BĐKH.
Thực tế, môi trường là một trong những yếu tố có tác động lớn đến việc triển khai các hoạt động du lịch theo định hướng bền vững. Cân bằng hài hòa lợi ích giữa kinh tế, cộng đồng và môi trường là bài toán khó nhưng nếu làm được sẽ tạo sự phát triển bền vững. Nhiều địa phương, đơn vị doanh nghiệp lựa chọn phát triển thuận tự nhiên, sinh kế xanh với giá trị tuần hoàn và đã mang về hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài các địa phương cần được quy hoạch và định hướng cụ thể trong phát triển du lịch bền vững bởi tác động của BĐKH ngày càng nghiêm trọng.
Ái Lam