Hôm ấy những làn mây mỏng tang lất phất bay trên sông Hương. Bình minh le lói báo hiệu một ngày rạng rỡ nắng tươi của kinh thành Huế. Chúng tôi đi trong miền sương tan dần trên con đường Huyền Trân Công Chúa. Phía trước một dãy núi đồi đất xanh mướt rừng thông soi bóng xuống dòng sông Hương. Con đường nhấp nhô men theo dốc đèo đầy hoa cỏ trắng muốt. Tất cả đoàn xe đi chậm lại với nỗi niềm: “Đường vô xứ Huế quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.
Ngày vui làng hương.
Trầm thơm hương phố
Chúng tôi nhằm hướng tây nam theo cung đường dẫn lên đồi Vọng Cảnh (thuộc phường Thủy Biều, TP Huế). Nhưng đột nhiên một quầng sáng hừng lên phía trước cùng hương quế, hương hồi thơm nức. Người hướng dẫn cười tươi, cô chắc chắn chúng tôi sẽ bất ngờ bởi lẽ đó là làng nghề làm hương Thủy Xuân. Hai bên đường hàng chục cửa hàng hương đủ sắc màu tạo nên con phố làng nhộn nhịp.
Chúng tôi thích thú dừng chân dạo chơi trong không gian trầm hương lan tỏa. Làng hương Thủy Xuân cách TP Huế chừng hơn 7 km nhưng lại kề bên sông Hương thơ mộng (cũng thuộc phường Thủy Biều). Ai tới đây cũng thích thú với câu hò cổ khuyết danh được nhiều người nhớ mỗi khi tới đây mua hàng: “Thủy Xuân nghiêng một bến sông/Trầm hương tỏa ngát người không muốn rời/Mắt em tơ liễu hồn tôi/Búp tay thơm phật tâm người nam mô”. Đất vùng Thừa Thiên Huế nhiều đền chùa hàng trăm năm nên nhiều khi dân Thủy Xuân làm không kịp giao hàng. Làng quanh năm ngát hương trầm thơm lan tỏa khắp vùng xã Thủy Biều xưa (nay đã lên phường).
Xã Thủy Biều được coi là nơi đón dòng sông Hương về cho kinh thành Huế. Bởi từ trên đại ngàn chảy xuống dòng sông Hương trước khi vào thành phố có hai khúc cong lõm và cong lồi bám quanh dãy núi, đồi (cao từ 10 tới 60 m) đều thuộc đất xã Thủy Biều, kéo dài hơn chục km mà nên. Vạn nẻo quanh co của sông Hương đều như dồn về đây làm nên vẻ đẹp kỳ vĩ trước khi vào thành phố. Cung đường lượn vòng của dòng sông bắt đầu trở nên êm đềm tại bến Kim Long (gần địa phận chùa Thiên Mụ). Cổ xưa vùng đất Thủy Biều do phù sa sông Hương bồi nên. Dãy núi đồi được tạo thành miền vách chắn độ chảy xiết từ trên thượng nguồn xuống. Phải chăng chính vì thế mà dòng sông trở nên hiền hòa êm đềm khi trôi qua kinh thành về tới miền Vỹ Dạ.
Những người thợ làm hương tại làng Thủy Xuân như chọn được địa điểm đắc địa trên cung đường Huyền Trân Công Chúa bao quanh xã Thủy Biều. Làng Hương hình thành hơn 700 năm hành nghề. Hương tại Thủy Xuân được kết dính bởi những sản vật trên phù sa lâu đời của dòng sông Hương. Đó là mùi hương dậy lên từ thảo dược hồi, quế, bưởi, đinh hương, thảo quả… Hơn nữa, những người thợ nơi đây cũng đã dùng sản vật cây cỏ chế biến được 5 màu cho cây hương mà không nơi nào có. Đó là sự biến hóa của biểu trưng ngũ hành trong cung lễ tâm linh. Mỗi kỳ Festival Huế, bao giờ những gian hàng của Thủy Xuân cũng nườm nượp khách hàng. Ngay lúc này đây bên cạnh đoàn chúng tôi có nhiều đoàn thanh niên các địa phương quanh vùng dừng chân mua hàng và chụp ảnh kỷ niệm. Ngay tại ngôi nhà văn hóa thôn đầu phố một tốp thanh niên đang ca múa cho chuyến đi về nguồn. Tôi cứ tha thẩn trong cung đường Huyền Trân Công Chúa và chạnh lòng nhớ tới chuyện xưa: “Hôm nay là xuân, mai còn xuân/Xuân đã sang đò nhớ cố nhân/Người ở bên kia sông cách trở/Có về Chiêm quốc như Huyền Trân?” (Nhạc xuân, Nguyễn Bính).
Bình minh trên đồi Vọng Cảnh.
Kỳ sơn thủy tú Huế thương
Chúng tôi tiếp tục theo đoàn rẽ lên dốc đồi Vọng Cảnh cách làng hương không bao xa. Cô hướng dẫn viên nói TP Huế đang có kế hoạch tạo dựng một khu công viên trên đồi Vọng Cảnh với nhiều đường hoa và tượng đài. Ai nấy đều trầm trồ chạy vào khu rừng thông cao vút bên sông Hương. Đồi Vọng Cảnh rộng 219ha và ở độ cao 45m ở về phía tây nam TP Huế. Nơi đây du khách có thể ngắm về phía tây thành phố bên kia bờ sông với những khung cảnh nên thơ như Hòn Chén và chùa Thiên Mụ cùng làng sinh thái Về nguồn.
Sông Hương chảy men chân đồi ở độ cong lõm nhất (dài 700m tạo nên dòng nước trong vắt thơ mộng. Chính vì thế đồi Vọng Cảnh còn được ví là “Đôi mắt thần của cố đô”. Cô hướng dẫn viên cho chúng tôi biết núi Ngọc Trản đối diện bên kia sông có điện Hòn Chén nghìn năm. Đây là một di tích đậm dấu ấn văn hóa Chăm còn sót lại. Rồi cô đọc những câu ca dao cổ bên sông Hương: “Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn/Chèo qua Ngọc Trản đến Vạn Kim Long/Sương sa, gió thổi lạnh lùng/Sóng xao trăng lặn, chạnh lòng nhớ thương”.
Điện Hòn Chén nằm trên núi Ngọc Trản có tới mươi công trình được tu bổ, xây dựng từ thời Vua Gia Long trên nền điện thờ của người Chăm xưa. Nơi đây thờ nữ thần Po Na Gar (Nữ thần Mẹ xứ sở), người đã tạo ra Trái đất và các loại gỗ trầm hương. Sau này cộng đồng người Việt với người Chăm cùng thờ thần Thiên Y A Na (dịch âm chữ Hán của Po Na Gar) và Liễu Hạnh công chúa. Tới đời Vua Minh Mạng đã cho tu bổ mở rộng vào năm 1832. Điện Hòn Chén còn thờ Phật và thánh Quan Công cùng 100 vị thần đồ đệ khác.
Núi Ngọc Trản cũng như đồi Vọng Cảnh được hình thành từ phù sa sông Hương từ nghìn năm trước. Dòng nước chảy xiết tách núi Ngọc Trản biệt lập khỏi dãy núi thấp từ Trường Sơn. Đó là mũi đứt gãy yếu ớt của nhánh cuối dãy núi đi về đồng bằng. Trên đỉnh núi có chỗ đất trũng xuống rộng vài mét luôn đọng nước mưa trong vắt như chiếc chén khổng lồ. Cái tên Ngọc Trản (núi Chén ngọc) được gọi là vì thế. Do đó điện thờ của người Chăm xưa cũng gọi là điện Hòn Chén. Đồi Vọng Cảnh cùng với dòng sông Hương và núi Ngọc Trản luôn thu hút tao nhân mặc khách tới đây ngắm cảnh vịnh thơ. Bên cạnh đồi Vọng Cảnh còn có thung lũng Vạn Niên nối liền với động Bàu Hồ, một dãy núi đất thấp dần dọc sông Hương dài chừng 1km. Đứng trên động Bàu Hồ (ở đỉnh đồi cao 60m) có thể ngắm toàn bộ thành phố Huế cho tới bến cảng biển Thuận An. Toàn bộ khu thắng cảnh nhìn từ đồi Vọng Cảnh tựa một tam giác sông nước mỹ lệ, mênh mông huyền ảo. Trong dân gian đã lưu truyền: “Bốn bề núi phủ mây phong/Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên” và còn đó là: “Gió theo lối gió, mây đường mây/Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay/Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?/Có chở trăng về kịp tối nay?” (Hàn Mặc Tử). Đó là ký ức huyền ảo của thi sĩ về một người đẹp thôn Vỹ Dạ bên dòng sông Hương một thuở yêu thầm trộm nhớ.
Vua Đồng Khánh là một đồ đệ của thánh mẫu, chuyên đi lễ điện Hòn Chén vào các ngày rằm hằng tháng. Ngài đã cho xây dựng lại đền thật khang trang như hiện nay và đổi tên đền là Huệ Nam Điện (nghĩa là ban ơn cho nước Nam). Từ đó những lễ hội chính ở điện Hòn Chén được đưa lên vào hàng quốc lễ. Hiện trong điện còn có một số bức tranh và ảnh của Vua Đồng Khánh treo ở đây.
Đồi vọng Thi nhân
Nếu từ đồi Vọng Cảnh đi tiếp đường Huyền Trân Công Chúa sẽ tới hàng loạt những di tích lăng tẩm các đời vua nhà Nguyễn cùng lăng các hoàng hậu và hoàng tử. Chính vì thế đồi Vọng Cảnh được coi là điểm dừng chân lý tưởng tại toàn bộ khu vực trung tâm văn hóa lịch sử phía tây nam thành phố Huế. Nơi đây cũng là điểm ngao du đầy cảm xúc của những thi nhân bên dòng sông Hương. Nhiều nhà thơ đã học và làm việc ở Huế như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Lại có những nhà thơ đã từng có duyên nợ với Huế như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Phùng Quán, với những giai nhân áo tím bên dòng sông Hương. Mỗi người đều để lại những cảm xúc huyền diệu nhất dành cho thành Huế thân thương.
Nếu dòng sông Hương được gọi là dòng sông thi ca thì đã có đề xuất đặt tên cho đồi Vọng Cảnh là đồi Thi nhân. Bởi lẽ dòng sông Hương tạo nên cung đàn tỳ bà bên dãy núi thì đồi Vọng Cảnh chính là phím đàn để cho những tao nhân mặc khách tới đây tấu lên những bản tình ca về Huế. Và tôi bỗng nhớ tới những câu thơ Tố Hữu đã viết: “Hương Giang ơi, dòng sông êm/Qua tim ta, vẫn ngày đêm tự tình/Vẫn là duyên đó quê anh/Gió, mưa tan, lại trong lành mặt gương” (trích bút tích của nhà thơ Tố Hữu, in trang 125, tập “Bài thơ thôn vĩ”, NXB Sông Hương, 1987).
Vương Tâm