Mỗi ngày có 5 tuyến đường tàu biển, hàng không đưa khách du lịch từ các thành phố lớn đến huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Côn Đảo có Vườn Quốc gia, đồng thời là một trong những ngư trường đánh bắt lớn của nước ta, tàu đánh cá các nơi tập trung về vùng biển này khai thác. Tất cả tạo nên nhịp đập kinh tế Côn Đảo mạnh mẽ như những con sóng lớn ngoài khơi.
Thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Hải Luận
“Năm 2017, chiếc tàu đỏ (tàu khách Express) chạy thử nghiệm tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo, đến năm 2018, khách du lịch bắt đầu tăng. Sau đại dịch Covid-19, khách ra đảo đông hơn, mấy ngày dịp nghỉ lễ, một số đường ở Côn Đảo bị tắc cục bộ, không ai nghĩ ở đây lại tắc đường. Sang mùa Đông, khách nội địa giảm, khách quốc tế đến Côn Đảo tăng cao” - bà Nguyễn Thị Xuân, Công ty Du lịch Con Dao Dive Center, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ.
Ngày 9/3/2024, siêu tàu khách mang tên Thăng Long thuộc Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc “mở hàng” chuyến đầu tiên, chở 1.000 hành khách từ thành phố Vũng Tàu ra cập vào cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo an toàn, đánh dấu mốc son một siêu tàu chở khách khai thác và vận hành tuyến hàng hải từ đất liền tới đảo xa bờ của Việt Nam. Tàu chạy đạt vận tốc 32 hải lý/giờ, rút ngắn thời gian từ Vũng Tàu đến Côn Đảo hơn 3 giờ. Tàu Thăng Long có thể vận hành trong những điều kiện gió giật cấp độ 8, chiều cao sóng lên đến 6m, có tính ổn định cao, giảm được tối đa độ lắc dọc, giảm say sóng cho hành khách.
Phố đảo sầm uất
Khoảng 10 giờ sáng, chiếc tàu khách của Công ty Mai Linh xuất phát từ bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cập cảng Côn Đảo, chở trên 300 hành khách lên đảo. Tiếp đến, một chiếc tàu xuất phát từ cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng chở 300 hành khách đến Côn Đảo. Riêng hãng hàng không Vietnam Airlines mỗi ngày có từ 25-30 chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đáp xuống sân bay Côn Đảo, trở thành tuyến bay nội địa nhộn nhịp và đắt đỏ nhất.
Huyện Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu gần 100 hải lý. Côn Đảo suốt 113 năm bị thống trị (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng hệ thống nhà tù để giam giữ và lao động khổ sai với sức chứa trên 20.000 người, được mệnh danh “địa ngục trần gian” khét tiếng. Côn Đảo trở thành dải đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Diện tích Vườn Quốc gia Côn Đảo rộng gần 20.000ha, thực hiện sứ mệnh của một khu rừng đặc dụng để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của sinh vật rừng và sinh vật biển, bảo tồn di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học, kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí...
Những yếu tố trên làm cho Côn Đảo trở thành hòn đảo du lịch ấn tượng được nhiều người trong và ngoài nước chọn điểm đến quan trọng. Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng; người dân, doanh nghiệp đầu tư khách sạn, nhà hàng... tạo nên phố đảo sầm uất.
“Nhiều công ty lữ hành du lịch ở đất liền gom từng đoàn khách lớn ra Côn Đảo, họ phải đưa nhiều xe khách 45 chỗ ra đảo để phục vụ du khách. Có lẽ khi các nhà làm quy hoạch, thiết kế đường giao thông ở Côn Đảo không thể lường trước được việc đảo nhỏ này có xe khách 45 chỗ lưu thông. Một số tuyến đường nhỏ, xe 45 chỗ chạy qua đã choán gần hết mặt đường” - Thiếu tá Trần Văn Hùng, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Côn Đảo (có gia đình ở Côn Đảo) đưa ra chi tiết về giao thông.
Tôi ở lại trên đảo gần một tuần quan sát khá kỹ, thấy mật độ xe ô tô phục vụ du lịch rất nhiều, có mấy hãng taxi từ đất liền ra mở văn phòng hoạt động. Câu chuyện người dân đảo bắt đầu làm du lịch khá thú vị. Năm 2017, gia đình vợ Thiếu tá Hùng đầu tư xây dựng nhà nghỉ 2 tầng, tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.
“Thời điểm năm 2017, cả đảo có trên 10 khách sạn, nhà nghỉ. Nhà nghỉ của mẹ nhỏ nên ít người biết đến, tôi giúp mẹ chụp ảnh, đăng ký tài khoản, thông tin lên trang điện tử Booking.com, nó giống như cái chợ toàn cầu, khách quốc tế muốn đến Côn Đảo thì họ lên Booking.com đặt phòng. Lúc đầu, khách đặt nhiều, “cháy phòng” thường xuyên, do mới làm trên môi trường điện tử không biết “khóa” chỗ đặt phòng, đến ngày nhận phòng có 3 khách cùng nhận một phòng. Mẹ phải đưa khách sang khách sạn khác ở, chịu chi phí phát sinh, mình nói thật với khách mới làm trên sàn điện tử nên họ thông cảm và đánh giá tốt” - Thiếu tá Hùng kể.
Chỉ trong vòng 3 năm, mẹ vợ Thiếu tá Hùng đã hoàn vốn xây dựng nhà nghỉ. Hiện nay, Côn Đảo có gần 200 khách sạn xếp hạng 5 sao, 4 sao và nhiều nhà nghỉ đủ sức đón 5.000-7.000 khách/ngày. Thiếu tá Hùng tâm sự: “Bây giờ, trình độ kinh doanh dịch vụ du lịch ở Côn Đảo không thua kém gì ở trong đất liền, đa phần họ quảng bá, giới thiệu thông tin kinh doanh trên các ứng dụng điện tử trong và ngoài nước”.
Học cách làm thầy dưới đáy biển
Khách du lịch đến Côn Đảo được tham quan hệ thống nhà tù, du lịch tâm linh, trải nghiệm Vườn Quốc gia Côn Đảo và khu bảo tồn biển ở 16 hòn đảo lớn nhỏ. “Côn Đảo được xếp vào điểm du lịch bậc nhất ở Biển Đông; điều đặc biệt, rạn san hô trải dài khắp các vùng biển của Côn Đảo trở thành nơi có lượng san hô đứng đầu cả nước ta. Đây là báu vật của quốc gia, tài sản vô giá cần được bảo vệ và phát triển hệ sinh thái biển, cũng như nguồn lợi thủy sản. Dân Côn Đảo đang dựa vào nguồn vốn tự nhiên khổng lồ để phát triển du lịch” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang thông tin tóm lược.
Du khách đi tàu biển từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng) cập cảng Côn Đảo. Ảnh: Hải Luận
Với vẻ đẹp hoang sơ của Côn Đảo, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh đã từng được các tạp chí du lịch quốc tế bầu chọn là nơi có làn nước biển xanh nhất, quần đảo huyền bí nhất thế giới. Phát triển bền vững về du lịch, cũng như gìn giữ môi trường và hệ sinh thái động thực vật là định hướng phát triển của địa phương. Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Côn Đảo cấp quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Xuân đã bỏ ra khá nhiều tiền để đưa chồng ra thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa học cách lặn biển và hướng dẫn khách du lịch tham quan dưới đáy biển. “Chồng tôi học lấy chứng chỉ quốc tế về lặn biển, phải học tiếp để nâng hạng lên thành thầy dạy lặn dưới đáy biển. Nhờ vậy, nhiều người ở Côn Đảo học tại đảo được cấp chứng chỉ quốc tế theo quy định của Hiệp hội bơi lặn thế giới. Dịch vụ lặn biển bắt đầu phát triển mạnh ở Côn Đảo” - bà Xuân giải thích.
Thăm cột mốc đường cơ sở
“Hiện nay, thị trấn Côn Đảo có hàng chục chiếc ca nô chuyên chở khách du lịch từ đảo lớn ra các đảo nhỏ như hòn Bảy Cạnh, hòn Cau... lặn biển ngắm nhìn san hô, xem rùa đẻ trứng, thả rùa con trở về biển. Khách du lịch có thể tham quan hòn Bông Lanh có cột mốc, điểm tính đường cơ sở trên biển của nước ta, trên đảo có nhiều loài chim biển quý hiếm” - ông Phạm Trung Kiên, Phó Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh (Vườn Quốc gia Côn Đảo) chia sẻ.
Hải Luận