Thừa Thiên Huế: “Hồi sinh” danh thắng đồi Vọng Cảnh

Cập nhật: 23/05/2024
Đồi Vọng Cảnh là điểm nhấn rất độc đáo nằm ven bờ sông Hương qua thành phố Huế. Đây là danh thắng nổi tiếng từ thời triều Nguyễn, và là điểm ngắm cảnh lý tưởng của người dân Huế từ bấy lâu nay. Sau khi tiến hành chỉnh trang, đồi Vọng Cảnh ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến trải nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng, đồi Vọng Cảnh đang dần “hồi sinh”, trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua mỗi lần đến Huế.

Danh thắng đồi Vọng Cảnh nhìn từ trên cao với hệ thống cây xanh, là “lá phổi xanh” của Huế

Còn nhớ, vào những năm đầu 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng khu khách sạn hạng sang ở đồi Vọng Cảnh. Vụ việc này đã làm cho cộng đồng dư luận cả nước quan tâm. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã lên tiếng cảnh báo vì lo sợ dự án sẽ phá vỡ không gian cảnh quan thiên nhiên của đồi Vọng Cảnh, cũng như ảnh hưởng môi trường nước sông Hương. Tại thời điểm đó, nhiều lãnh đạo Sở, ngành của tỉnh cũng đã “mạnh dạn” phản đối. Sau đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định dừng dự án nói trên để “bảo vệ” danh thắng đồi Vọng Cảnh.

Đồi Vọng Cảnh gắn với cảnh quan sông Hương

Tuy nhiên, cũng nhiều năm sau đó, đồi Vọng Cảnh gần như ít được quan tâm khai thác, quảng bá nên chưa được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến. Năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định số 2101/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận, định hướng là khu vực sinh thái cảnh quan, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích văn hóa lịch sử; là khu văn hóa, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, ngắm cảnh, nghỉ ngơi… Trong đó, khu vực đồi Vọng Cảnh trở thành khu công viên phục vụ các hoạt động như đi dạo, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, kết hợp làm điểm dừng chân lý tưởng cho các chuyến du lịch đường bộ cũng như đường thủy dọc sông Hương. Tại đây có thể tổ chức các hoạt động cắm trại, sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa… Công trình kiến trúc xây dựng ở khu vực này chủ yếu là các công trình kiến trúc trang trí nhỏ, mang tính sinh thái.

Quy hoạch là vậy nhưng đồi Vọng Cảnh vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia. Và sau một thời gian dài “để mặc tự nhiên”, cảnh quan đồi Vọng Cảnh bị ảnh hưởng và trở nên nhếch nhác, không đáp ứng được nhu cầu dã ngoại, ngắm cảnh, vui chơi của cộng đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trương để UBND TP Huế tiến hành chỉnh trang, tạo điểm nhấn để không gian cảnh quan này trở thành điểm đến lý tưởng cho cộng đồng dân cư và du khách.

Từ năm 2021, UBND TP Huế đã giao cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế triển khai dự án chỉnh trang danh thắng đồi Vọng Cảnh. Dự án được thực hiện với kinh phí hơn 12 tỉ đồng, gồm các hạng mục như lát đá tự nhiên các tuyến đường đi dạo; bố trí thêm ghế đá để du khách dừng chân nghỉ ngơi; chỉnh trang các tháp canh (chòi canh); trồng thêm cây thông và các loại cây dọc trục đường chính kết nối đến vườn hoa, điểm nhấn của đồi Vọng Cảnh; xây dựng nhà vệ sinh công cộng; bố trí thêm các loại thùng rác phù hợp với cảnh quan chung;… Theo ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, việc chỉnh trang được thực hiện trên cơ sở tôn trọng giá trị tự nhiên vốn có của đồi Vọng Cảnh. Chủ yếu là tập trung cải tạo, lát đá các đường dạo bộ để kết nối cảnh đẹp giữa đường bộ và phía bờ sông, chỉnh trang các điểm canh ngắm cảnh. Các chòi canh này không chỉ phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của du khách mà còn góp phần để lực lượng chức năng quan sát, bảo vệ rừng.

Sau khi chỉnh trang, đồi Vọng Cảnh đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến dạo bộ, ngắm cảnh sông Hương, tổ chức các hoạt động văn nghệ cộng đồng… Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dự án chỉnh trang đồi Vọng Cảnh với quy mô vừa phải là khá phù hợp, trong đó tập trung chống hoang hóa, tạo các lối đi dạo bộ, tăng thêm điểm xuyến cây xanh, vườn hoa, có chòi canh… Đồi Vọng Cảnh là điểm ngắm cảnh rất đẹp của người Huế theo truyền thống từ xưa, nhưng bây giờ nếu thực để có sức hấp dẫn thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến văn hóa cho công chúng cần đặt nó trong tổng thể không gian kết nối với các di tích lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh và lăng Kiên Thái Vương (cha của ba vị vua triều Nguyễn). Các không gian kết nối này là những rừng thông rất đẹp.

Đường dạo bộ ở đồi Vọng Cảnh ven theo sông Hương

“Theo tôi, cần mở rộng không gian văn hóa ở khu vực này. Đồi Vọng Cảnh như điểm nhấn mở đầu từ sông Hương, rồi dẫn đến lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương. Không gian văn hóa muốn thu hút khách thì phải bảo vệ tuyệt đối vùng di tích, nhưng đồng thời quy hoạch cộng đồng dân cư hài hòa để làm sao người dân ở đó được hưởng lợi từ di sản văn hóa.

Cần quy hoạch cộng đồng dân cư ở trong vùng này để du khách không chỉ đến di tích các lăng, dạo bộ ngắm cảnh ở đồi Vọng Cảnh mà còn trải nghiệm các dịch vụ ẩm thực, thậm chí có thể hướng dẫn người dân trong khu vực xây dựng những homestay phù hợp để khách lưu trú…”, ông Nguyễn Xuân Hoa nêu ý kiến. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, hiện nay, đường đi bộ ven sông cũng đã được xây dựng từ cồn Dã Viên song song theo đường Bùi Thị Xuân lên đến bến thuyền gần di tích Voi Ré - Quyền. Về xa hơn, nên có trục đường đi bộ nối từ chân đồi Vọng Cảnh men theo sông Hương về trung tâm thành phố. Điều này sẽ góp phần bảo vệ được dòng sông, không để dân cư lấn chiếm ra sông và tạo ra mảng xanh rất đẹp.

Đồi Vọng Cảnh là danh thắng nổi tiếng của xứ Huế và cũng được xem là “lá phổi xanh” của thành phố Huế. Đứng từ đồi Vọng Cảnh, có thể ngắm nhìn cảnh đẹp với bạt ngàn cây cối xanh thẳm và sự yên bình của các làng ven sông Hương; có thể nhìn thấy được các di tích lăng vua triều Nguyễn. Đặc biệt, mỗi buổi bình minh hay hoàng hôn ở Vọng Cảnh sẽ nhìn được hình ảnh sông Hương cảng đẹp và thơ mộng.

Cần mở rộng không gian văn hóa ở khu vực này. Đồi Vọng Cảnh như điểm nhấn mở đầu từ sông Hương, rồi dẫn đến lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương. Không gian văn hóa muốn thu hút khách thì phải bảo vệ tuyệt đối vùng di tích, nhưng đồng thời quy hoạch cộng đồng dân cư hài hòa để làm sao người dân ở đó được hưởng lợi từ di sản văn hóa.

Cần quy hoạch cộng đồng dân cư ở trong vùng này để du khách không chỉ đến di tích các lăng, dạo bộ ngắm cảnh ở đồi Vọng Cảnh mà còn trải nghiệm các dịch vụ ẩm thực... - (Nhà nghiên cứu: Nguyễn xuân hoa)

Thùy An

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 17/5/2024