(TITC) - Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Vẻ đẹp hồ Thác Bà (Ảnh sưu tầm)
Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch tỉnh Yên Bái và các quy hoạch khác có liên quan góp phần thúc đẩy phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ;
Xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà có tính chất là Khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà; là một trong những Khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu; là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Quy mô khách du lịch đến năm 2030, đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách; đến năm 2040, đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách.
Về định hướng phát triển không gian du lịch, dịch vụ Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà gồm các không gian du lịch động lực và trung tâm dịch vụ hỗ trợ sau:
+ Không gian du lịch Tân Hương - Đại Đồng: Là trung tâm đầu mối và động lực phát triển phía Tây hồ Thác Bà, quy mô diện tích khoảng 232 ha, bao gồm đất du lịch, dịch vụ, hỗn hợp tại các xã Tân Hương, Đại Đồng của huyện Yên Bình. Định hướng phát triển thành không gian du lịch tổng hợp với quy mô lớn, chất lượng cao và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và dịch vụ.
Các sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, câu lạc bộ vui chơi giải trí có thưởng, khu vui chơi giải trí đêm; du lịch thể thao trên cạn và mặt nước, du thuyền, ca-nô, dù lượn, khinh khí cầu... .
Các khu chức năng: Khách sạn 3 - 5 sao, các khu nghỉ dưỡng ven hồ, trên các sườn đồi (resort, bungalow, biệt thự...); khu câu lạc bộ vui chơi giải trí có thưởng; khu ga cáp treo kết nối với trung tâm du lịch Linh Sơn - Cao Biền...
+ Không gian du lịch Linh Sơn - Cao Biền: Là trung tâm động lực phía Đông Nam hồ Thác Bà, quy mô diện tích khoảng 167 ha, gồm đất du lịch tại xã Vũ Linh, Vĩnh Kiên của huyện Yên Bình. Định hướng phát triển thành một trong những điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia theo Quốc lộ 2; hình thành các khu du lịch có quy mô vừa, chất lượng cao và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và dịch vụ.
Các sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, trên núi, nghỉ cuối tuần; du lịch văn hóa tín ngưỡng, công viên chuyên đề; du lịch thể thao nước, chèo thuyền kayak, mô-tô nước, ca-nô...
Các khu chức năng: Khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, trên núi (resort, bungalow, biệt thự...); khu công viên văn hóa núi Linh Sơn - Cao Biền; khu câu lạc bộ thể thao nước; khu ga cáp treo kết nối với trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng...
+ Không gian du lịch Phúc Ninh - Cảm Nhân: Là trung tâm du lịch động lực phía Đông Bắc hồ Thác Bà, với chức năng là đầu mối cung cấp các dịch vụ hậu cần và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch sinh thái, khám phá văn hóa; quy mô diện tích khoảng 151 ha, gồm đất du lịch tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình. Định hướng phát triển các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe, khu biệt thự du lịch gắn với du thuyền.
Các sản phẩm chủ đạo: Du lịch sinh thái và khám phá văn hóa, cảnh quan tự nhiên; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe theo hướng tự nhiên, cổ truyền; du lịch thể thao dưới nước.
Các khu chức năng: Khách sạn cao cấp (4 - 5 sao); khu nghỉ dưỡng cao cấp ven hồ (resort, bungalow, biệt thự hồ); khu dịch vụ bến du thuyền; câu lạc bộ thể thao dưới nước; khu trung tâm du lịch khám phá.
+ Không gian du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc: Là trung tâm đầu mối và động lực phát triển phía Bắc hồ Thác Bà, quy mô diện tích khoảng 133 ha (không tính sân gôn), gồm đất du lịch tại xã Vĩnh Lạc, Minh Tiến, huyện Lục Yên. Định hướng phát triển các mô hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với sân gôn và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và dịch vụ.
Các sản phẩm chủ đạo: Du lịch sinh thái và khám phá văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch thể thao trên cạn (sân gôn) và dưới nước; câu lạc bộ vui chơi có thưởng; vui chơi giải trí đêm, du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.
Các khu chức năng: Khu nghỉ dưỡng sinh thái (resort, bungalow, biệt thự), khu câu lạc bộ vui chơi giải trí có thưởng, khu thể thao dưới nước, sân gôn (không tính vào quy mô diện tích); khu ga cáp treo kết nối với khu cửa ngõ Tân Nguyên.
+ Các khu vực phát triển du lịch, dịch vụ phụ trợ:
Trung tâm cửa ngõ, dịch vụ phụ trợ Tây Nam hồ Thác Bà: Gồm thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà, các xã Thịnh Hưng, Hán Đà, Đại Minh của huyện Yên Bình; là cửa ngõ phía Nam của Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, là trung tâm tổng hợp đa chức năng, kết hợp phát triển đô thị với du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, lễ hội sự kiện, lưu trú...
Khu vực cảnh quan sinh thái Đông hồ Thác Bà: Gồm các đảo, bán đảo các xã Xuân Lai, Yên Thành, Phúc An của huyện Yên Bình; là khu vực phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái nông nghiệp và văn hóa, kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; mô hình các khu du lịch (3 - 4 sao) cỡ vừa và nhỏ, mô hình farmstay, homestay khuyến người dân vừa sản suất nông nghiệp vừa phát triển du lịch, dịch vụ...
Trung tâm cửa ngõ Tân Nguyên: Gồm các xã: Tân Nguyên, Bảo Ái của huyện Yên Bình; là cửa ngõ phía Tây của hồ Thác Bà kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút giao IC14, là trung tâm du lịch trung chuyển của tuyến du lịch Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; mô hình phát triển thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và dịch vụ du lịch cáp treo...
Xem văn bản
Trung tâm Thông tin du lịch