Hà Nội: Khơi nguồn nước trong xanh cho sông Nhuệ

Cập nhật: 29/10/2009
Đoạn chảy qua Hà Nội của sông Nhuệ dài 62,9km. Khảo sát mới nhất trên toàn tuyến của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, nhiều đoạn của sông Nhuệ đã bị ô nhiễm nặng vì phải tiếp nhận lượng nước thải chưa qua xử lý quá lớn từ các hộ dân cũng như cơ sở sản xuất, làng nghề... ở hai bờ.

Nhiều đoạn sông có nước màu xám, đen đục. Hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước sông đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Nhiều đoạn sông bị ép thành... mương

Sở TN&MT cho biết, tại huyện Từ Liêm có 91 cơ sở sản xuất và 2 làng nghề; Quận Hà Đông có 48 cơ sở và 5 làng nghề xả nước thải trực tiếp vào sông Nhuệ. Ngoài ra, còn có 8 cơ sở công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì và hàng chục làng nghề như Dương Liễu, Minh Khai, Sơn Đồng... thuộc huyện Hoài Đức ngày đêm xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường nước sông Nhuệ.

Kết quả thanh kiểm tra gần đây nhất của Sở TN&MT cũng cho thấy, kiểm tra 46 cơ sở thì cả 46 cơ sở đều vi phạm do chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn.

Cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, nạn lấn chiếm, sử dụng đất trái pháp luật hai bên bờ sông Nhuệ đã khá phổ biến “khiến cho nhiều đoạn sông bị ép thành... mương" - một cán bộ Sở TN&MT ví von như vậy.

Trên trục hành lang sông Nhuệ hiện có 3.872 tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng trên 1,5 triệu m2 đất, nhưng có hơn 1,4 triệu m2 không có giấy tờ hợp pháp (chiếm 94,76%). Nhiều nhất là huyện Từ Liêm, tới hơn 2.000 hộ dân sử dụng đất không có giấy tờ hợp pháp. Tiếp theo là quận Hà Đông: 680 trường hợp; huyện Thanh Trì: 254 trường hợp rồi Phú Xuyên: 103 trường hợp...

Sẽ xem xét hơn 1,4 triệu m2 đất không giấy tờ

Sở TN&MT Hà Nội đề xuất, để cứu sông Nhuệ, cùng với việc xử lý ô nhiễm môi trường trên toàn tuyến, phải tiến hành đồng bộ việc siết chặt công tác quản lý sử dụng đất đai hai bên bờ sông. Trước hết, thành phố sẽ tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làng nghề có phát sinh nước thải trực tiếp ra sông Nhuệ và các hành vi đổ phế thải, rác thải lấn chiếm dòng chảy. Đặc biệt, thành phố sẽ xử lý người đứng đầu hoặc đình chỉ hoạt động các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.

Đối với các làng nghề, thành phố sẽ di chuyển các cơ sở, điểm sản xuất của hộ gia đình gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp làng nghề tập trung đã xây dựng. Đề án này dự kiến sẽ kéo dài tới năm 2015 với số vốn đầu tư vài nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng trong năm 2010, các dự án ưu tiên do ngân sách thành phố trực tiếp đầu tư đã cần số kinh phí ước tính 363,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngay trong năm tới, cùng với việc bắt đầu nạo vét cục bộ từng đoạn sông Nhuệ và lập phương án xử lý nước thải ô nhiễm của các làng nghề ở Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, thành phố cũng bắt tay xây dựng các trạm và nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn để làm sạch sông Nhuệ.

Với hơn 1,4 triệu m2 đất đang sử dụng không có giấy tờ hợp pháp, theo đề xuất bước đầu của Sở TN&MT, các trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ sông Nhuệ mới phát sinh lấn chiếm, xây dựng trái phép sẽ phải giải tỏa dứt điểm. Đối với các trường hợp đã tồn tại từ lâu, sẽ tiến hành phân loại (các trường hợp có giấy tờ hợp pháp và không có giấy tờ) để xử lý cho tồn tại hoặc thực hiện giải tỏa theo lộ trình triển khai thực hiện quy hoạch được duyệt và đúng quy định pháp luật.

Nguồn: Báo KTĐT