Là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam đang xác lập những bước tăng trưởng ngoạn mục và mạnh mẽ về du lịch, Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng các điểm đến du lịch xanh, sản phẩm du lịch xanh hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Qua đó, bắt nhịp xu hướng của ngành công nghiệp không khói ở nhiều nước trên thế giới, tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng sức hút mạnh mẽ với du khách.
Các hoạt động du lịch trách nhiệm bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được triển khai trong nhiều năm qua. Ảnh: Đỗ Phương
Theo một khảo sát gần đây của Trip Advisor - một trang web về du lịch nổi tiếng thế giới cho thấy, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Điều này khẳng định, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Bắt nhịp xu hướng này, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng xác định phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, ngành du lịch đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều điểm đến đã phát triển được các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá theo hướng du lịch xanh, các mô hình du lịch xanh mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người.
Rừng trâm cổ trên xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn) sẽ là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong "Hành trình di sản". Ảnh: Phạm Học
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại vịnh di sản, mới đây sản phẩm “Hành trình di sản” của Việt Thuận Group đi vào hoạt động chính là hải trình đầu tiên kết nối du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Sản phẩm mới này không chỉ gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các điểm đến truyền thống mà còn mang đến các hoạt động trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu giá trị địa chất địa mạo, đa dạng sinh học, giá trị về văn hóa lịch sử quý báu của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long tại các điểm đến hấp dẫn như: Vườn quốc gia Bái Tử Long, đảo Ba Mùn, các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen… đồng thời, góp phần quan trọng giảm tải sức ép lên môi trường, hệ sinh thái của vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái như: Mô hình du lịch vườn hoa Cao Sơn (Bình Liêu), du lịch đồi chè xã Quảng Long (Hải Hà), Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều), Khu du lịch Kỳ Thượng - Am Váp farm (Hạ Long)… trong những năm qua đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Qua đó, góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Nguồn thực phẩm phục vụ du khách tại Khu du lịch Kỳ Thượng - Am Váp farm được chế biến từ nông sản do người dân địa phương nuôi trồng.
Anh Lý Tài Ngân, Giám đốc Công ty CP Am Váp farm, chia sẻ: Hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay khu du lịch Kỳ Thượng - Am Váp farm đã đón lượng khách tương đối ổn định. Với phương châm du lịch xanh không chỉ là đến những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, vận động du khách bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên mà còn là trách nhiệm bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc cộng đồng. Vì vậy, mỗi sản phẩm du lịch tại Am Váp farm đều xuất phát từ việc khai thác hiệu quả truyền thống văn hóa, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người dân bản địa, giúp người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Từ những ngôi nhà cổ, bộ trang phục truyền thống, bài thuốc lá tắm, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao xã Kỳ Thượng đến nay đều đã được giới thiệu rộng rãi, nhận được sự yêu mến của du khách.
UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025), tiếp tục tạo đòn bẩy đưa du lịch phát triển gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc một cách bền vững.
Du khách xem múa rối nước và tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống tại khu du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều).
Không chỉ phát triển các sản phẩm du lịch xanh các địa phương, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp về bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường. Quảng Ninh đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long với những kết quả tích cực về xây dựng tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh Vịnh Hạ Long...
Hay huyện đảo Cô Tô trong nhiều năm qua đã triển khai nhiều chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường, trọng tâm là đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. Cô Tô kêu gọi mỗi người dân, du khách nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn; tổ chức hoạt động thường xuyên dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư, các bãi biển…
Nhân viên Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên hỗ trợ du khách thay thế các túi nilon đựng đồ bằng túi thân thiện với môi trường trước khi bắt đầu hành trình tham quan các tuyến đảo.
Nối tiếp sau huyện đảo Cô Tô, ngày 27/4 vừa qua, huyện Vân Đồn cũng khởi động chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi và Bản Sen. Việc giảm thiểu rác thải nhựa cũng sẽ áp dụng đồng loạt tới tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức tại 5 xã đảo cho tới việc thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa trong sinh hoạt của người dân, khách du lịch, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời tăng cường thu gom, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Vân Đồn đưa ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa và đến năm 2030 thì không có rác thải nhựa trên địa bàn các xã đảo.
Đồng hành cùng các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức, hành động, thói quen của du khách trong việc bảo vệ môi trường địa phương.
Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng Đầu Rồng Resort (xã Cái Chiên, huyện Hải Hà), cho biết: Ngay từ mùa hè năm 2023, khi Đầu Rồng Resort bắt dầu đi vào vận hành, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân, du khách về định hướng phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái của hòn đảo. Trên quan điểm đó, toàn bộ đồ dùng sử dụng trong các phòng nghỉ (chai nước, cốc, hộp giấy…) đều là những vật liệu thân thiện với môi trường thay vì dùng đồ nhựa một lần. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng triển khai các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cho du khách gắn với khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, đời sống nhân dân bản địa, các hoạt động vui chơi đi bộ, chạy bộ, đạp xe quanh đảo kết hợp dọn rác bãi biển… nhận được sự hưởng ứng, phản hồi tích cực của du khách.
Các phòng nghỉ tại Khu nghỉ dưỡng Đầu Rồng Resort (xã Cái Chiên, huyện Hải Hà) đều sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường thay vì các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Sự tăng trưởng du lịch mạnh mẽ cũng gây ra những áp lực không nhỏ tới cảnh quan, môi trường, văn hóa địa phương. Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thiết lập một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu, cam kết về du lịch bền vững. Đồng thời, cần tiếp tục đa dạng hóa các kênh thông tin và truyền thông đến du khách và cộng đồng về lợi ích, giá trị của du lịch bền vững. Việc sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội, website và các chiến dịch truyền thông sẽ giúp lan tỏa thông điệp về du lịch xanh, khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm môi trường.
Nguyễn Dung