Nhiều mô hình du lịch “độc, lạ” thu hút du khách đến Tiền Giang

Cập nhật: 08/07/2024
Để thu hút du khách xa gần, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Nhiều mô hình phục vụ khách tham quan mới lạ và độc đáo đã ra đời để cạnh tranh, níu chân du khách.

Từ năm 2021, Cảng du thuyền Mỹ Tho tại bờ sông Tiền, Phường 4, thành phố Mỹ Tho đưa vào hoạt động đã trở thành điểm nhấn của ngành du lịch tỉnh Tiền Giang. Dự án Cảng du thuyền Mỹ Tho có tổng mức đầu tư 665 tỷ đồng, gồm phần đất kết hợp khu công viên bờ sông, sử dụng mặt nước diện tích xây dựng trên mặt nước 8.210m2, chiều dài tuyến 325m, công suất 4.000khách/ngày, có 4 tàu khách phục vụ khách tham quan từ tuyến Mỹ Tho - Campuchia hàng ngày, 10 tàu cao tốc nhận khách khác cùng thời điểm và các ghe nhỏ. Cảng có 2 khu vực neo đậu tàu thuyền riêng biệt, một bên dành cho du thuyền phục vụ đưa rước khách quốc tế và một bên dành cho tàu thuyền nhỏ nội địa neo đậu, chuyên phục vụ tour tham quan 4 cồn Long - Lân - Quy - Phụng và phục vụ ăn uống, vui chơi trên sông Tiền vào ban đêm.

Tỉnh Tiền Giang nằm cạnh sông Tiền thơ mộng rất có tiềm năng phát triển du lịch

Từ sau dịch bệnh Covid-19 đến nay, Cảng du thuyền đa dạng các hoạt động nên ngày càng đông du khách trong và ngoài nước. Đến đây, du khách được thưởng thức các món ăn đặc sản, mua sắm hàng lưu niệm mang đậm chất sông nước miền Tây; được thưởng thức bầu không khí mát mẻ của sông Tiền.

Bà Lương Thị Diễm Trang - Giám đốc Cảng Du thuyền Mỹ Tho nói: “Khi đến Cảng du thuyền Mỹ Tho du khách cảm thấy rất thoải mái, từ đây họ có thể đi tham quan các nơi. Chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách các sản phẩm về món ăn đại phố, dòng nhạc dân gian, những cô gái bán đồ lưu niệm mặc áo bà ba, áo dài, ăn hủ tiếu Mỹ Tho, những sản phẩm trái cây đặc thù của vùng sông nước Nam bộ. Sau khi đến Cảng du thuyền Mỹ Tho, du khách sẽ hiểu nhiều hơn về vùng đất, con người Tiền Giang thân thiện, mến khách”.

Hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em tại Cảng du thuyền Mỹ Tho

Đa dạng sản phẩm du lịch

Tại khu đất vườn, gia đình ông Đoàn Văn Khanh - một cựu chiến binh xã Song Thuận, huyện Châu Thành vừa đưa vào hoạt động khu du lịch “Ve chai thần kỳ”. Khu du lịch này mang nét riêng độc, lạ gần gũi với thiên nhiên. Trên diện tích gần 0,5ha ông thiết kế các trụ, khung, lót sàn hoàn toàn bằng thép xây dựng điểm tham quan, nghỉ mát cho du khách ở độ cao ngang tầm với ngọn dừa. Trên đây có các gian nhà nhỏ lắp ghép bằng các vỏ chai nhựa rất độc đáo. Tuy mới hoạt động, nhưng khu du lịch “ Ve chai thần kỳ” cũng đã thu hút nhiều khách xa gần đến tham quan, nghiên cứu nhất là các cựu chiến binh.

Khu du lịch "Ve chai thần kỳ" rất độc lạ của ông Đoàn Văn Khanh

Ở vùng cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang gần đây các mô hình kinh doanh du lịch đang phát triển, nhất là du lịch sinh thái gắn liền với các vườn cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng... Đến cù lao Tân Phong du khách được thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng sông nước rất tự nhiên, được bơi xuồng ba lá, chạy xe đạp trên đường quê mát dịu. Đặc biệt, năm ngoái Công ty Du Ngoạn Việt triển khai ý tưởng phục dựng chợ nổi tại ấp Tân Thái, xã Tân Phong, tạo nên hình ảnh nên thơ, trữ tình, tạo nét độc đáo, làm phong phú hơn hoạt động du lịch của tỉnh Tiền Giang.

Ông Lê Văn Hà - du khách từ Hà Nội sau khi đến tham quan tại khu du lịch cồn Tân Phong bày tỏ: "Đến cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, bản thân tôi cảm nhận được về thiên nhiên, cây cối, văn hóa, tình cảm con người. Đặc biệt đã tham gia trực tiếp vào các tiết mục đờn ca tài tử của người dân địa phương. Tôi rất vui và sẽ là một kỷ niệm rất sâu sắc đối với cá nhân tôi".

Du lịch đi xuồng ba lá tại cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho

Các khu, điểm du lịch truyền thống tại tỉnh Tiền Giang như cồn Thới Sơn, làng cổ Đông Hòa Hiệp, bãi biển Tân Thành, khu nhà, mộ cổ tại thành phố Gò Công, cũng được nâng chất, đổi mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đặc biệt tại Tiền Giang có nhiều điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách lựa chọn, nhất là dịp Rằm, dịp Tết cổ truyền có hàng chục nghìn lượt người dân, phật tử đến các nơi: Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước), chùa Liên Hoa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo), chùa Vĩnh Tràng (xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho)…

Hàng nghìn người đổ về chùa Liên Hoa tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang mỗi ngày rằm, ngày Tết

Đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng

Là tỉnh nằm ven sông Tiền thơ mộng, có hơn 80.000 ha vườn cây đặc sản, với 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 160 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử rất thuận lợi để Tiền Giang phát triển ngành du lịch.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 40 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1 sao đến 4 sao với tổng số trên 1.000 phòng, 280 cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn và hệ thống nhiều điểm homestay. Gần đây, nhiều khu du lịch mới hình thành mang nét riêng biệt ở các vùng nông thôn. Đặc biệt tại thành phố Mỹ Tho có nhà hàng, khách sạn Central Plaza Mỹ Tho sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 9 tới, được kỳ vọng là điểm nhấn của ngành du lịch Tiền Giang.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Tiền Giang đã và đang có nhiều đề án, chương trình phát triển du lịch; duy trì, mở rộng các hoạt động liên kết vùng, tiểu vùng và liên kết với TP.HCM; tham gia và tổ chức các sự kiện có liên quan đến kích cầu du lịch. UBND tỉnh Tiền Giang và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển du lịch.  

Chu Trinh/VOV-ĐBSCL

Nguồn: Báo điện tử VOV - VOV.VN - Đăng ngày 8/7/2024