Du lịch văn hóa được coi là nền tảng phát triển và cốt lõi trong việc lan tỏa bản sắc để "giữ chân" khách du lịch.
Trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, du lịch văn hóa được coi là nền tảng phát triển và cốt lõi trong việc lan tỏa bản sắc để “giữ chân” khách du lịch.
Xây dựng thành “điểm chọn” trong tương lai
Tuy nhiên đến nay, khái niệm “du lịch văn hóa” vẫn còn khá xa lạ đối với người dân. Dù du lịch văn hóa chỉ là sản phẩm của văn hóa du lịch, song sức lan tỏa giá trị văn hóa bản địa lại vô cùng bền vững và có sức níu chân và để lại cho du khách những ấn tượng bởi nền văn hóa phong phú và đặc sắc.
Theo báo cáo phân tích mới đây của VinaCapital, du lịch quốc tế chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam trước Covid-19. Các chuyên gia của tổ chức này cũng dự đoán lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 40% trong năm 2024, so với mức tăng trưởng ấn tượng 250% vào năm 2023.
Có thể thấy, các con số về thu hút du lịch của Việt Nam đều rất ấn tượng. Từ đó, có thể kỳ vọng sự đóng góp của ngành du lịch vào GDP đất nước. Tuy nhiên giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Việt Nam cần chọn hướng đi lâu dài với đặc trưng du lịch văn hóa bản địa để “giữ chân” du khách, duy trì phong độ đang có. Đồng thời, xây dựng hệ thống và sản phẩm du lịch chuyên nghiệp để thành “điểm chọn” của du khách trong tương lai.
Đầu tháng 7/2024, Việt Nam và Hàn Quốc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến du lịch giai đoạn 2025 - 2026. Ảnh: TITC
Du lịch văn hóa vẫn mang hình thức đại trà
Du lịch văn hóa là một trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Tại khoản 17 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017, giải thích: Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.
Khái niệm du lịch văn hóa cũng được mở rộng cùng với xu hướng du lịch thế giới. Đó là loại hình du lịch mà khách muốn tìm hiểu và cảm nhận về văn hóa, lịch sử thông qua di sản văn hóa, di tích, lễ hội, phong tục tập quán, cách tổ chức cộng đồng, lối sống của một dân tộc.
Việt Nam với hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, di sản văn hóa thế giới… cùng với 54 dân tộc anh em tạo thành nền văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đặc bản sắc – chính là nguồn tài nguyên và là “vốn văn hóa” để khách quốc tế tìm đến.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định Việt Nam chưa khai thác hết thế mạnh du lịch văn hóa. Chỉ xét riêng khía cạnh du lịch cộng đồng cũng đang tồn tại quá nhiều hạn chế: Chưa có sự đầu tư bài bản, không có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh và vùng miền; sản phẩm dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp; khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm biến dạng văn hóa, không đảm bảo nguyên tắc du lịch bền vững…
Du lịch văn hóa ở Việt Nam vẫn mang hình thức du lịch đại trà, khiến cho câu chuyện rất cũ là khách quốc tế đến Việt Nam chỉ một lần rồi thôi vẫn chưa thể khắc phục. PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, khách đến du lịch và chúng ta mong muốn họ trở lại - đó không chỉ là mong muốn, mà còn là định hướng du lịch.
“Chúng ta phải tính đến tính bền vững chứ không phải ăn xổi. Một trong các khía cạnh khiến khách du lịch thích và quay trở lại nhiều lần thì du lịch của chúng ta phải thực sự chuyên nghiệp. Với quan niệm triết lý du lịch vừa bảo tồn được di sản, vừa thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch thì tiêu chí ăn uống, ngủ nghỉ, ứng xử… phải mang tính văn hóa, và chúng ta phải tạo ra văn hóa du lịch”, ông Huy nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng lưu ý rằng, Việt Nam cần hiểu rõ xu hướng ngành du lịch thế giới, cái giá của du lịch đại trà và lý do ngành du lịch sinh thái bền vững xuất hiện và tồn tại. Vì vậy, tính bền vững dần trở thành trọng tâm của ngành du lịch. Đó chính là lý do mà Hang Én ở Phong Nha - Kẻ Bàng thực hiện du lịch bảo tồn thay vì du lịch đại trà giá rẻ.
Theo giới chuyên gia, du lịch văn hóa sử dụng nguồn tài nguyên du lịch văn hóa để làm nền tảng. Luật Du lịch năm 2005 gọi “tài nguyên du lịch văn hóa” là “tài nguyên du lịch nhân văn”, gồm: Truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
Trần Hòa