TPHCM: Cộng đồng cùng phát triển mảng xanh

Cập nhật: 05/11/2009
Trong khu vực nội thị, mảng xanh của TPHCM chủ yếu dựa vào cây xanh đường phố và số công viên mà hiện đang lo ngại sẽ bị san sẻ cho mục đích khác. Vì thế, khi dân số tăng thêm, nhà ở, hạ tầng tăng thêm thì không gian sống trở nên ngột ngạt.  Để tăng mảng xanh đô thị, theo nhiều chuyên gia lâm nghiệp, phải chọn hướng đi phát triển cây xanh trong cộng đồng.
 

Mất cân đối

Thực tế, phải nói rằng mảng xanh ở TPHCM không nhỏ, tới mức trong một số cuộc hội thảo về lâm nghiệp, nhiều chuyên gia lâm nghiệp còn cho rằng hiếm có đô thị nào có diện tích rừng lớn như TPHCM.  

Theo Chi cục Lâm nghiệp TPHCM, tính đến nay, với diện tích rừng, đất lâm nghiệp lên tới 43.540 héc ta, cùng với công viên cây xanh, cây trồng phân tán trên đường phố, rừng trồng làm kinh tế của người dân ở ngoại thành đã đưa độ che phủ rừng, mảng xanh của thành phố lên tới 38%.

Tuy nhiên, đó chỉ là trên bình diện chung, bởi về mặt phân bố thì mất cân đối. Trong khu vực nội thành có tỷ lệ mảng xanh rất thấp, bởi nội thành chỉ có công viên cây xanh và cây trồng phân tán trên đường phố; còn diện tích rừng lại tập trung ở các huyện ngoại thành.

Nhiều chuyên gia lâm nghiệp trong và ngoài nước đều ví rừng ngập mặn Cần Giờ là "lá phổi" của thành phố nhưng "lá phổi" ấy lại cách trung tâm thành phố tới hàng chục cây số; hay tương tự là khu rừng nhiệt đới ẩm rộng hàng ngàn héc ta ở Củ Chi (gần đền Bến Dược), lại cách trung tâm thành phối tới 60km, nên tác dụng tạo mảng xanh mát mẻ cho trung tâm gần như không có nhiều.

Mảng xanh ở ngay từng nhà dân

Ông Nguyễn Sơn Thụy, cán bộ Phòng kỹ thuật, Chi cục Lâm nghiệp TPHCM cho rằng trong quan niệm của nhiều người thì phát triển mảng xanh ở đô thị, đồng nghĩa với việc bỏ tiền ra trồng cây xanh không vì mục đích kinh tế. Nhưng ngày nay, mảng xanh không chỉ đóng vai trò về thẩm mỹ cho đường phố, cải thiện môi trường sống, mà còn mang lại lợi ích kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên mà các khu đô thị, chung cư, cao ốc văn phòng sẽ có nhiều khách hàng hơn, giá mua bán, cho thuê sẽ cao hơn nếu chủ đầu tư các công trình đó chứng minh với khách hàng rằng công trình mình có mảng xanh, có quy hoạch trồng cây xanh, cây kiểng tạo cảnh quan chung quanh.

Theo ông Thụy, mảng xanh đô thị phải là sự kết hợp tất cả thực vật và các khoảng xanh trong cộng đồng dân cư, cung cấp lợi ích sống còn để làm giàu thêm về chất lượng cuộc sống đô thị.

Cũng theo ông Thụy, tăng mảnh xanh cho đô thị không chỉ là việc làm của nhà quản lý hay cơ quan lâm nghiệp, công chánh mà còn là của từng cá nhân, thể hiện qua mảng xanh trong ngôi nhà, sân vườn của mình. “Nếu nhìn thành phố từ trên cao, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy ngổn ngang bê tông, cốt thép và các mái tôn chằng chịt, vậy tại sao từng nhà dân không tạo riêng cho mình một mảng xanh nho nhỏ trên sân thượng cho dễ thở và mát mẻ hơn”, ông gợi ý. Đó có thể là chậu hoa, giàn dây leo...

Rồi trong khuôn viên từng cơ quan, văn phòng, khách sạn... cũng nên tự tăng mảng xanh cho chính mình, cũng chính là tăng mảng xanh chung cho thành phố.

Nguồn: TBKTSG