Triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Dự án 6), thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các dân tộc trong tỉnh.
Múa sư tử Mèo được các nghệ nhân tham gia trình diễn tại lễ hội Háng Pò, Bình Gia (Lạng Sơn).
Việc triển khai Dự án 6 đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch trên địa bàn.
Bà Hà Thị Trinh, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện Dự án 6, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã mở được bốn lớp truyền dạy múa sư tử, thêu dệt thổ cẩm, hát Sli với hơn 100 học viên tham gia. Để tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, đội văn nghệ hoạt động, huyện chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, mua sắm các trang thiết bị...
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã khuyến khích nhân rộng được 50 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng, mỗi câu lạc bộ có từ 15 đến 30 hội viên tham gia. Hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Cùng với Cao Lộc, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện Dự án 6 và đạt nhiều kết quả thiết thực. Cụ thể 11 huyện, thành phố đã xây dựng chính sách và hỗ trợ 19 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số; hỗ trợ hoạt động cho 140 đội văn nghệ truyền thống, với 18 bộ trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, chia làm nhiều giai đoạn nhằm phát huy những loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Đồng thời, ngành văn hóa đầu tư có trọng điểm để tạo ra phương thức, biện pháp bảo tồn di sản văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch. Việc thực hiện Dự án 6 được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026-2030.
Trong giai đoạn 1, từ năm 2022 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố và cấp cơ sở, các tổ chức liên quan tích cực triển khai một số tiểu dự án thành phần như: Chống xuống cấp, tu bổ di tích hang Cốc Mười và Pác Lùng - Ký Làng (di tích quốc gia) xã Tri Phương huyện Tràng Định; nghiên cứu phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Quan Lang dân tộc Tày, huyện Bắc Sơn; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong lễ hội truyền thống Háng Pỉnh, gắn với phục dựng, tái hiện chợ phiên Kỳ Lừa xưa; xây dựng mô hình bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng phàn slình (Nùng Cúm Cọt) xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc; tổ chức lớp truyền dạy hát Páo Dung dân tộc Dao và hát then dân tộc Tày, Nùng tại huyện Hữu Lũng...
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thành lập 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Thành viên của các câu lạc bộ được truyền dạy các kiến thức, thực hành trình diễn một số loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian và được đầu tư trang phục, dụng cụ phục vụ sinh hoạt và biểu diễn với tổng chi phí hỗ trợ khoảng 1,2 tỷ đồng. Các câu lạc bộ đi vào hoạt động đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai Dự án 6 không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị di sản mà còn nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được hơn 12 tỷ đồng, hơn 7.000 ngày công lao động và hiến gần 5.000 m2 đất để xây dựng các thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hiện, toàn tỉnh có 1.666/1.676 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 99,4%), qua đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức làm du lịch của người dân.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc đang được các địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng biệt, thu hút du khách khi đến xứ Lạng. Một số mô hình phát triển du lịch văn hóa đã hình thành và được các đơn vị tổ chức hiệu quả, qua đó, tạo dựng nhiều hình ảnh đẹp về đất và người xứ Lạng trong lòng du khách, góp phần biến văn hóa trở thành nguồn lực phát triển du lịch bền vững, biến di sản thành tài sản.
Bài, ảnh: Hùng Tráng, Quốc Đạt