Nam Định: Hải Hậu khai thác tiềm năng phát triển du lịch xanh bền vững

Cập nhật: 05/08/2024
Hải Hậu (tỉnh Nam Định) là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại hình điền dã như du lịch tín ngưỡng tâm linh (thăm các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc), làng nghề truyền thống và những di tích như Nhà thờ đổ ở xã Hải Lý (Khu chứng tích biến đổi khí hậu xã Hải Lý), cầu Ngói Hải Anh, làng nghề kèn đồng xã Hải Minh… Những năm gần đây, với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, huyện Hải Hậu đã và đang tập trung phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Du khách tham quan di tích “Nhà thờ đổ” xã Hải Lý.

Tiềm năng nội lực dồi dào

Hải Hậu - một vùng quê ven biển phía Đông Nam tỉnh Nam Định, nằm ở giữa huyện Giao Thủy và huyện Nghĩa Hưng. Đây là khu vực nằm trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, vì vậy Hải Hậu sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là tiềm năng khai thác du lịch biển với các bãi biển Thịnh Long, Hải Đông, Hải Chính...

Khởi nguồn từ thời kỳ Tứ Tổ Quần Anh, Hải Hậu còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như biểu diễn cà kheo tại xã Hải Triều, biểu diễn kèn đồng và trống cà rùng ở các nhà thờ công giáo… Đặc biệt, trải qua hơn 5 thế kỷ lập đất lập làng, các thủy tổ và thế hệ người dân xứ Quần Anh xưa hun đúc nên truyền thống “Tứ tính, Cửu tộc” với các chuẩn mực văn hóa giá trị là: nếp nhà nhân hậu “phúc - đức - cần - kiệm”; “con cháu thảo hiền”.

Du lịch văn hóa - tâm linh ở Hải Hậu cũng rất phát triển với công trình lịch sử - văn hóa như cầu Ngói - chùa Lương, xã Hải Anh; nhà thờ giáo xứ Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng; nhà thờ giáo họ Đông Biên, thị trấn Yên Định… Các làng nghề truyền thống ở đây như làng đan lưới Tân Thịnh, xã Hải Chính; làng kèn đồng, xã Hải Minh… cũng thu hút nhiều du khách du lịch.

Hàng năm trên địa bàn huyện tổ chức nhiều lễ hội như: lễ hội Quần Anh, xã Hải Anh; lễ hội truyền thống chùa Cồn, thị trấn Cồn và đặc biệt Tuần lễ văn hóa - thể thao truyền thống được tổ chức tại trung tâm huyện dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) thu hút rất đông người dân trong và ngoài huyện tham gia.

Một lợi thế khác của huyện Hải Hậu trong phát triển du lịch là có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ với nhiều tuyến đường kết nối liên vùng (tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển), các tuyến tỉnh lộ chạy qua địa bàn; giao thông nông thôn cũng được cải tạo, nâng cấp bảo đảm kết nối khá đồng bộ với đường tỉnh và đường quốc gia. Ngoài ra, Hải Hậu chỉ cách Hà Nội, Hải Phòng 120km đường bộ; cách Thái Bình, Ninh Bình trong bán kính 30 - 50km. Điều đó mang đến rất nhiều thuận lợi cho việc di chuyển của du khách về Hải Hậu tham quan, du lịch; phù hợp với các tour du lịch ngắn ngày, nghỉ cuối tuần. Trên địa bàn huyện hiện có 178 cơ sở lưu trú với trên 1.200 phòng có thể phục vụ được lượng lớn khách du lịch nghỉ lại.

Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, những giá trị văn hóa đặc sắc, Hải Hậu có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch.

Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch xanh 

Du lịch xanh đang là xu hướng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây là mô hình kinh tế du lịch hướng đến bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường.

Tại Quyết định 1252/QĐ-UBND, ngày 29/02/2024 của UBND huyện Hải Hậu đặt ra mục tiêu đưa nơi đây trở thành một trong những “Điểm đến du lịch hấp dẫn - thân thiện - chất lượng” của tỉnh  Nam Định và khu vực. Cùng với đó là quan điểm “Phát triển du lịch bền vững, lấy tăng trưởng xanh làm phương thức phát triển, tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.”

Đến với vùng quê ven biển này, du khách không thể bỏ qua mô hình du lịch nông thôn như mô hình xóm Văn hóa kiểu mẫu tiêu biểu: xóm 2 (xã Hải Châu), xóm 4 (xã Hải Bắc); mô hình vườn mẫu, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch tại xã Hải Lộc, Hải Quang hay các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP như rượu nấm linh chi, nấm bào ngư, trà dây thìa canh… Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng Ecohost ở thị trấn Yên Định đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Ban đầu nơi đây chỉ là homestay nghỉ dưỡng, nhưng theo thời gian với nhu cầu của khách hàng, mô hình này đã phát triển và được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 5 sao của tỉnh Nam Định. Với diện tích khoảng 1.000m2, gồm 3 khu nhà 3 gian cổ, lối kiến trúc Pháp cổ kính, nội thất xây hoàn toàn bằng gỗ mang đến cảm giác vừa sang trọng vừa hoài niệm. Không gian mở, thoáng mát với vườn cây ăn quả, cây cảnh quý, du khách có thể vừa thưởng trà theo phong cách dân dã vừa tận hưởng không khí trong lành của làng quê. Ecohost không chỉ là nơi nghỉ ngơi thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng mà còn mang đến cho khách du lịch cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống qua các hoạt động như đạp xe thăm thú cảnh nông thôn, tìm hiểu đời sống văn hóa bản địa…; tham quan Ngôi nhà di sản, nơi trưng bày sách, tranh ảnh về nguồn gốc lịch sử, văn hóa của Hải Hậu và thưởng thức món ăn đặc sản quê biển, gạo tám xoan để hiểu rõ hơn về vùng quê này. Ngoài ra còn các địa chỉ như làng nghề kèn đồng Phạm Pháo xã Hải Minh, khách du lịch không khỏi bất ngờ khi chứng kiến nơi sản xuất và sửa chữa kèn đồng (kèn Tây) đòi hỏi kỹ thuật cơ khí chính xác, lại được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công mà không sử dụng các loại máy móc hiện đại duy nhất trên cả nước. Hay du khách có thể ghé thăm làng nghề làm bánh nhãn Đông Cường, thị trấn Yên Định để trải nghiệm từng công đoạn vê bột, đảo bánh, tẩm đường… để khẳng định món quà quê hoàn toàn sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên và chất lượng nhất.

Với 32km bờ biển dài, ngoài bãi tắm truyền thống lâu năm Thịnh Long, Hải Hậu còn có nhiều vị trí bãi có tiềm năng khai thác du lịch tắm biển với bãi cát mịn, dài. Là nơi cửa sông đổ ra biển nên nước biển ở đây không trong xanh như nhiều nơi song lại có những “điểm cộng” đối với những người ưa vận động trong điều kiện sóng to, nước biển mặn; hay là địa chỉ check-in thú vị khi xung quanh có những làng chài với các hoạt động lao động sản xuất đặc trưng như: đan lưới, đánh bắt hải sản gần bờ. Một chuyến đi ngắn cuối tuần cho cả gia đình hoặc các nhóm bạn thăm “nhà thờ đổ” trái tim Chúa - khu chứng tích biến đổi khí hậu ở xã Hải Lý nổi tiếng, tắm biển, tham quan và chụp ảnh các nhà thờ Công giáo đồ sộ, vẻ đẹp bí ẩn như ở châu Âu, thưởng thức hải sản tươi ngon giá cả vừa phải đang là lựa chọn của nhiều du khách trong mùa hè này.

Phát triển du lịch xanh trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, không chỉ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện mà còn mang đến cho người dân nguồn thu nhập ổn định đến từ việc làm hướng dẫn viên, cho thuê nhà làm homestay, quảng bá và tiêu thụ những món đồ lưu niệm là sản phẩm thủ công do chính người dân địa phương sản xuất… Đặc biệt, mô hình du lịch xanh cũng đã thu hút rất nhiều khách nước ngoài như Anh, Pháp, Ý… - nhóm du khách ưa chuộng yếu tố thân thiện với môi trường.

Hải Hậu đặt mục tiêu đến năm 2025, thu hút 200 nghìn lượt khách du lịch (trong đó khách lưu trú đạt 50 nghìn lượt), tổng thu từ du lịch ước tính khoảng 95 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Hải Hậu cần tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động du lịch giữa các ngành và các địa phương của tỉnh, trong vùng và quốc tế. Qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, tạo ưu thế nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoàn thiện công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tổ chức quảng bá hình ảnh du lịch Hải Hậu bằng nhiều kênh, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội.

Bài và ảnh: Ngô Linh

Nguồn: Báo Nam Định - baonamdinh.vn - Đăng ngày 02/08/2024