“Nơi vùng đất hoa nở trên đá” đang được du khách lựa chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu khu vực châu Á. Đây là thành quả, sự nỗ lực không ngừng của Hà Giang trong việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa nhằm tạo ra nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ để thu hút du khách.
Sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang cũng là điểm nhấn của du lịch Hà Giang đối với du khách
Từ văn hóa bản địa đến tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên sẽ phát triển thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đa dạng, khác biệt để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, bảo tồn các giá trị văn hóa và tăng thêm thu nhập cho người dân… là một trong những mục tiêu của “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”.
Khơi dậy giá trị văn hóa…
Với lợi thế là tỉnh miền núi biên giới, đa sắc màu văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng được Hà Giang đề ra.
Đặc biệt, đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng” giai đoạn 2020-2025 đã hỗ trợ một cách toàn diện cho công tác bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch.
Đề án hỗ trợ bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống; hỗ trợ các đội văn nghệ dân gian; hỗ trợ công tác sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội truyền thống; hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch…; thành lập hội nghệ nhân dân gian lấy lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, người am hiểu phong tục, tập quán dân tộc… Họ là những người trực tiếp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Không chỉ có vậy, Hà Giang còn đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy ngoại khóa tại các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông.
“Đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết.
“Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa” là cách mà Hà Giang đã triển khai nhiều năm qua.
Nhờ nhận thức xuyên suốt đó nên công tác bảo tồn được thực hiện tốt bởi đã tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và người dân cũng có thu nhập từ công tác bảo tồn văn hóa.
“Khi xác định được vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội thì Hà Giang đã quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch, một số khu, điểm du lịch được hình thành, các làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả... thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho hay.
Là người trực tiếp quản lý, bảo tồn và khai thác kinh tế du lịch từ văn hóa bản địa, ông Lý Đại Thông, nghệ nhân văn hóa quản lý làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) cho biết, trước kia do bận mưu sinh nên việc lưu giữ nét văn hóa truyền thống không được cộng đồng dân cư trong thôn quan tâm.
Từ khi thôn xây dựng làng văn hóa du lịch, khách đến lưu trú đông và có nhu cầu xem biểu diễn văn nghệ, nên ông đã tìm hiểu, sưu tầm những điệu múa, bài hát truyền thống để truyền dạy cho người dân.
Vào mùa du lịch, hầu như tối nào 2 đội văn nghệ trong thôn cũng đi biểu diễn ở nhà văn hóa cộng đồng, các homestay trong thôn để phục vụ du khách. Người dân vừa có thêm thu nhập mà những nét văn hóa truyền thống lại không bị mai một.
Những hoạt động tích cực trong công tác gìn giữ, bảo tồn đã khôi phục và phát triển nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Bàn Vương của người dân tộc Dao, huyện Hoàng Su Phì; Lễ hội nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn, huyện Quang Bình; Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội Gầu tào, Lễ cúng thần rừng, Lễ cầu mùa…
Những giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc được gìn giữ đã phát huy được vai trò “chất liệu” đặc biệt của sản phẩm du lịch. Tiêu biểu, tháng 9 hàng năm, huyện Hoàng Su Phì tổ chức Tuần Văn hóa du lịch theo định kỳ mỗi năm một lần gắn với dịp “mùa vàng” với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, các lễ hội, lễ thức tiêu biểu đã trở môi trường tích cực và thuận lợi trong việc giới thiệu, phát huy các giá trị bản sắc các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa để thu hút khách du lịch.
Đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống độc đáo của nhân dân các dân tộc để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Với những nỗ lực của mình, tại Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang năm 2023, Bộ VHTTDL đã ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Hà Giang trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, chú trọng lấy văn hóa phát triển du lịch, lấy phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, tạo ra các giá trị mới trong phát triển.
Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy tích cực các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang, đồng thời khơi dậy ý thức tự hào và bảo vệ các giá trị văn hóa đó trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hà Giang trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm, khám phá
… tạo sản phẩm du lịch khác biệt, độc lạ
Để có được những giá trị khác biệt, độc đáo, lạ lẫm “níu chân” du khách, Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn liền với truyền thống văn hóa, bản sắc, cảnh quan thiên nhiên và con người Hà Giang”.
Việc chú trọng xây dựng không gian văn hóa chợ phiên gắn với khai thác phát triển du lịch tại chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, chợ Sà Phìn, chợ Phố Cáo, chợ các xã Khâu Vai, Lũng Pù, Niêm Sơn, Xín Cái, Sơn Vĩ... đã góp phần giữ gìn, quảng bá và phát huy nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của Hà Giang đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng chính là một trong nhiều sự khác biệt, độc lạ của du lịch Hà Giang “níu chân” du khách.
Với hơn 100 điểm du lịch được đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ; 40 làng văn hóa du lịch, nhiều làng được công nhận làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP; 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được đầu tư theo hướng vừa bảo tồn văn hóa, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch… đã tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang dấu ấn văn hóa riêng.
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Hà Giang chú trọng phát triển loại hình văn hóa, du lịch cộng đồng như một giải pháp tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng đồng thời các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và môi trường gắn với bảo tồn văn hóa.
Bởi, văn hóa truyền thống ở Hà Giang được nhiều người biết đến thông qua các hoạt động biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Trong đó, 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng có một số làng văn hóa tiêu biểu, như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăn (Quản Bạ) đang xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN; làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng (Hoàng Su Phì) xây dựng theo tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng cộng đồng chất lượng cao; làng văn hóa du lịch thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc) xây dựng theo mô hình kiểu mẫu.
“Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại các làng văn hóa du lịch. Người dân trực tiếp tham gia bảo tồn và có thêm nguồn thu nhập thông qua việc tham gia học tập và biểu diễn phục vụ du khách đang là hướng đi chung, hiệu quả”, ông Phạm Hải Quỳnh, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhìn nhận.
Lối kiến trúc nhà ở truyền thống ở Hà Giang đã đem đến cho du khách nhiều ấn tượng đặc biệt
“Khách du lịch rất thích thú trước phong cảnh những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, nên thơ và cùng hòa mình với cuộc sống còn đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Hà Giang.
Do đó, thôn Nậm Hồng đã thuê các nghệ nhân dân gian người dân tộc Dao truyền dạy, hướng dẫn người dân biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống để phục vụ du khách.
Nhờ làm du lịch nên người dân đã nâng cao được ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống đã mai một, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa”, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, Hoàng Su Phì Triệu Mềnh Kinh nói.
Có lẽ điều đặc biệt hơn cả là du lịch Hà Giang đã khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, các sản phẩm du lịch được khai thác kéo dài quanh năm, trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với các mô hình các làng văn hóa du lịch; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo…
Nhấn mạnh thêm về điều này, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang khẳng định, Hà Giang đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới trên cơ sở làm đến đâu chắc đến đó, đáp ứng nhu cầu của du khách, không làm ồ ạt để đảm bảo tính bền vững cao.
Không chỉ có vậy, ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc Hà Giang cũng là một trong những sản phẩm du lịch bổ trợ độc đáo được nhiều du khách nhớ tới.
Hà Giang có 4 món ăn được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận gồm: cháo ấu tẩu, mèn mén, thắng cố và thịt treo gác bếp cùng 4 món lọt top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam là mật ong bạc hà, chè cổ thụ Shan tuyết, bánh tam giác mạch và hồng không hạt Quản Bạ.
Gần đây nhất, vào tháng 9/2023, Hà Giang có 3 món ẩm thực gồm cá bỗng, cháo ấu tẩu và phở ngô được vinh danh ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, góp phần làm cho các sản phẩm du lịch của Hà Giang ngày càng hấp dẫn, khác biệt và độc đáo.
Hà Giang có 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể; có 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp. 31/61 di tích xếp hạng đã được trùng tu, tu bổ và tôn tạo. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Hà Giang có 30 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với 11 tỉnh, thành khác, di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của Hà Giang đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đoàn Mai