Thực hiện Luật Di sản văn hóa (DSVH), Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy (BTPH) giá trị DSVH các dân tộc tỉnh Hòa Bình, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý DSVH nói chung và di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nói riêng. Nhiều di tích được BTPH gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Lễ hội chùa Tiên, huyện Lạc Thủy được tổ chức hàng năm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích trên địa bàn.
Tiêu biểu trong phát huy giá trị của di tích để phát triển du lịch phải kể đến khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Tiên của huyện Lạc Thủy. Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khu di tích nằm trên địa bàn xã Phú Nghĩa, còn giữ được những nét nguyên sơ của một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi, có những động thạch nhũ kỳ ảo. Quần thể hang động khu vực chùa Tiên được xếp hạng di tích quốc gia năm 2011, với 21 điểm di tích thuộc nhiều loại hình như: di tích lịch sử - văn hóa, di tích danh thắng và di tích khảo cổ học. Mỗi loại hình đều mang giá trị lịch sử và bản sắc riêng biệt. Một số động tiêu biểu trong quần thể như: động Mẫu Long, động Tam Tòa, động Tiên... luôn thu hút sự tìm tòi, khám phá của du khách. Quần thể di tích này rất gần với quần thể di tích chùa Hương (huyện Mỹ Đức - Hà Nội) với dự án tuyến cáp treo Hương Bình - đầu Hòa Bình đang được triển khai, mở ra hướng phát triển mới cho du lịch huyện Lạc Thủy. Năm 2024, lễ hội chùa Tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa từ lâu đời của người dân và vùng đất Lạc Thủy. Qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu DSVH dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và tỉnh.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian qua, các di tích, danh lam thắng cảnh được kiểm kê, quản lý, tu bổ, tôn tạo, từng bước phát huy giá trị. Đến nay có 293 điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục bảo vệ của tỉnh; 112 di tích được xếp hạng theo Luật DSVH, trong đó có 41 di tích cấp quốc gia, 71 di tích cấp tỉnh. Một số di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã phát huy giá trị, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng và điểm tham quan, du lịch, tiêu biểu như: di tích lịch sử Chiến khu Mường Khói và di tích khảo cổ hang xóm Trại, huyện Lạc Sơn; khu căn cứ cách mạng Thạch Yên và quần thể danh thắng hang động núi Đầu Rồng, huyện Cao Phong; khu căn cứ cách mạng Mường Diềm và di tích đền Bờ, huyện Đà Bắc...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý di tích còn những khó khăn do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh còn hạn chế. Việc bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực để phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích còn khó khăn. Hiệu quả công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về giá trị của các di tích chưa cao; chưa phát huy tốt giá trị di tích, danh lam thắng cảnh.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả khâu đột phá phát triển của tỉnh về BTPH giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích, danh lam thắng cảnh trở thành điểm tham quan, du lịch thu hút người dân và du khách, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 51-CT/TU, ngày 28/6/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo, chính sách liên quan đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh, đồng thời phát huy hệ thống di tích trở thành nguồn tài nguyên văn hóa, sản phẩm du lịch mang bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Quan tâm bố trí ngân sách, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư để phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di tích đã xếp hạng, các điểm tham quan, du lịch. Đầu tư nghiên cứu, quảng bá về giá trị các di tích thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình”, lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch. Đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý, BTPH giá trị của di tích trên địa bàn tỉnh...
Hương Lan