Phục hồi rặng san hô Côn Ðảo

Cập nhật: 09/11/2009
Sự thu hẹp diện tích các rặng san hô ở Côn Ðảo những năm gần đây đang đe dọa nguồn lợi hải sản và sự đa dạng sinh học của vùng biển. Thành công của các nhà khoa học Vườn Quốc gia Côn Ðảo trong việc nghiên cứu trồng mới san hô đã góp phần phục hồi hệ sinh thái được đánh giá là đa dạng nhất của đại dương.

Theo đánh giá của Viện Hải dương học Nha Trang, các rặng san hô rất có ích về mặt sinh học cũng như tạo nên sự đa dạng của hệ sinh thái vùng biển Côn Ðảo. Nhiều loài cá phụ thuộc vào các rặng san hô để kiếm thức ăn hoặc làm nơi trú ẩn. Với nhiều rặng san hô mang tính nguyên thủy cao cùng sự phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam đã là lý do vùng biển Côn Ðảo được đưa vào danh sách "Các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất" trong hệ thống các vùng bảo vệ biển của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các rặng san hô ở Côn Ðảo ngày một thu hẹp. Chỉ tính riêng cơn bão Linda tháng 11-1997, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới một phần ba diện tích của rừng và hàng nghìn ha diện tích biển bị ảnh hưởng, một số rặng san hô bị phá hủy hoàn toàn. Nghiêm trọng nhất, hiện tượng nước biển bị ngọt hóa năm 2005 đã khiến san hô ở Côn Ðảo chết hàng loạt... Thời điểm đó, tại các bãi thuộc tây-nam, tây, tây-bắc của hòn Côn Sơn và Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ thì số lượng san hô chết ở đây lên đến hơn 50%. Ngoài ra, phía tây Hòn Tài, bãi Bờ Ðập, bãi Vông của Hòn Bảy Cạnh, san hô cũng đua nhau chết. Cùng với đó, sức ép về khai thác hải sản bằng chất độc như xi-a-nua; phá san hô để khai thác ốc tai tượng cũng khiến diện tích san hô ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Sự tổn thương trầm trọng các rặng san hô ở Côn Ðảo là nguyên nhân khiến nguồn sinh vật biển sụt giảm, kéo theo tình trạng sa sút trong ngành thủy - hải sản và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người.

Trước thực trạng đó, nhằm giảm tình trạng suy thoái san hô, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Ðảo cùng với Dự án  Bảo  tồn  biển  Côn  Ðảo  đã  tiến  hành "Thực nghiệm nuôi cấy phục hồi và phát triển rặng san hô ở Côn Ðảo" với mục đích nhằm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật khác ngoài san hô. Ðịa điểm phục hồi từ vùng biển phía bắc bãi Ông Câu đến phía bắc vịnh Ông Ðụng thuộc đảo Côn Sơn với diện tích 40 ha (tổng diện tích nuôi cấy phục hồi san hô là 8 ha).

Anh Nguyễn Ðức Thắng, cán bộ Phòng Khoa học, Vườn quốc gia Côn Ðảo, cho biết, trồng san hô phải cố định được giá thể thì san hô mới có thể sống được. San hô là loài động vật nhạy cảm. Nếu nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng không phát triển bình thường được. Loài động vật này chỉ có thể sống, sinh trưởng tốt nhất trong khoảng nhiệt độ 21 - 30 độ C.  Nếu độ mặn dưới 0,20/00 và trên 0,30/00 thì san hô khó mà tồn tại được. Vì thế, trồng san hô không phức tạp mà khó nhất là bảo tồn những rặng san hô mới trồng. Trước khi trồng, các nhà khoa học đã phải nghiên cứu rất kỹ để chọn ra giống san hô thích hợp là ac-rô bô-ra.

Tại bãi Ông Ðụng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Vinh khi anh vừa kết thúc buổi lặn để trồng san hô dưới đáy biển. Anh cho biết, trồng san hô này khó nhất là động tác đóng cọc. Vì nền đáy là những rặng san hô đã chết, bị vôi hóa rất cứng nên khi đóng phải dùng hết sức mới thắng được áp lực nước. Trước tiên, phải cố định được cọc bằng cách đóng mạnh que sắt có chiều dài chừng 4, 5 cm xuống nền đáy rồi mới cột san hô vào bằng dây đồng đã cắt sẵn. Mỗi cây được trồng cách nhau 40 cm. Cứ như thế, mỗi ngày anh  trồng được khoảng 100 cây...

Chương trình trồng san hô dưới biển thuộc dự án Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển Côn Ðảo. Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu, tổ chức phát triển quốc tế Ðan Mạch tài trợ để trồng 54.000 cây san hô từ khu vực bãi biển Ông Câu đến bãi Ðất Thắm, phục hồi rặng san hô cho Côn Ðảo. Tuy nhiên, điều thành công hơn là dự án trồng san hô này đã góp phần tăng ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường của ngư dân Côn Ðảo. Ông Trần Ðình Huệ, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Ðảo, cho biết: "Việc những người từng bẻ san hô làm đồ mỹ nghệ, đục rặng san hô để bắt ốc... giờ lại trồng, bảo vệ san hô không phải là điều thường thấy. Ðến lúc san hô chết nhiều, nguồn lợi thủy sản không còn, ngư dân mới hiểu chuyện san hô tồn tại có ảnh hưởng mật thiết với cuộc sống của mình như thế nào. Vì thế khi được cán bộ Vườn quốc gia Côn Ðảo giải thích về tầm quan trọng của san hô, đưa ra chương trình "trồng" loại động vật này, ngư dân Côn Ðảo hưởng ứng ngay".

Nguồn: Báo Nhân Dân