Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển các hoạt động du lịch ở Việt Nam

Cập nhật: 09/11/2009
Chiều 9/11 tại Hà Nội, được sự nhất trí của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Tạp chí Du lịch Việt Nam - TCDL đã tổ chức Hội thảo khoa học "Đánh giá việc biến đổi khí hậu đối với hoạt động quản lý, phát triển các hoạt động du lịch ở Việt Nam".

Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ VHTTDL, PGS.TS. Trương Quốc Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu phát triển Du lịch, PGS.TS. Phạm Trung Lương, lãnh đạo một số Vụ, Viện của Bộ VHTTDL và TCDL, một số cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đã khẳng định: "Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên vì vậy được xem là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nước biển dâng cao".

Hiện nay, những tác động do biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch. Các di tích, danh thắng, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tập trung ở vùng ven biển, trên các đảo, vùng núi cao là những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Tham luận của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp tới phát triển du lịch thể hiện ở 3 hình thức: tác động đến tài nguyên du lịch (tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn), các điểm hấp dẫn du lịch; tác động đến các hoạt động du lịch, đặc biệt là lữ hành; và tác động đến hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Các hoạt động du lịch bao gồm hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và hoạt động lữ hành bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, thậm chí các tour du lịch có thể bị hủy do điều kiện thời tiết xấu liên tiếp, bão lụt, lũ quét do biến đổi khí hậu gây ra. Nhiều chương trình du lịch tới khu vực miền Trung, vùng núi phía Bắc đã phải hủy, hoãn, chấm dứt giữa chừng do gặp mưa bão bất ngờ.
Hầu hết các tham luận tại Hội thảo đều nêu lên được những tác hại của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động du lịch, đến các hệ sinh thái, đến hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nhất là hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí của Việt Nam, đồng thời cũng nêu lên được một số định hướng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch như các hoạt động "giảm nhẹ" (giảm lượng khí C02 từ các phương tiện vận chuyển du lịch; giảm và tiến tới thay thế các thiết bị làm lạnh có sử dụng khí CFC; khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường; trồng cây xanh ở các khu điểm du lịch; giảm thiểu chất thải...); các hoạt động "Thích ứng" (nâng cao nhận thức về BĐKH và những tác động đến du lịch; bảo vệ tài nguyên các khu, điểm du lịch; điều chỉnh các chính sách, chiến lược và quy hoạch phù hợp với thực tế tác động của BĐKH trong lĩnh vực DL; tăng cường hợp tác quốc tế...) và còn một số định hướng khác.

Ngành Du lịch cũng đã nhận thức rất rõ hoạt động du lịch phát triển mạnh cũng làm gia tăng việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tác động tới khí hậu. Ô nhiễm môi trường sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch và ảnh hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Chính vì vậy ngành Du lịch cũng đang nghiên cứu các giải pháp để tìm ra năng lượng sạch thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, xử lý lượng rác thải, nước thải triệt để nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu... Đề án cấp Nhãn sinh thái “Bông sen xanh" cho các cơ sở lưu trú tại Việt Nam của TCDL vừa qua đã được Bộ VHTTDL phê duyệt sẽ nâng cao chất lượng hình ảnh điểm đến Việt Nam, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các cơ sở lưu trú của Ngành và đáp ứng một phần ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Biên tập Kim Dung; Ảnh Thế Phi

Nguồn: Tỏng cục Du lịch